(HNMO) - Mỹ và NATO đã bày tỏ quan ngại trước các thông tin cho biết, Nga đang gia tăng sự hiện diện quân sự tại Syria.
Hãng tin BBC dẫn lời người đứng đầu khối NATO Jens Stoltenberg cho biết, nếu thông tin trên là đúng, sự tham gia của Nga sẽ không giúp giải quyết được cuộc xung đột.
Trong ngày hôm qua (9/9), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã "nhắc lại" mối quan ngại của ông với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov qua điện thoại. Mỹ hiện đang tham gia vào chiến dịch không kích chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở cả Syria và Iraq.
Nga, một đồng minh quan trọng của Syria trong cuộc nội chiến tại nước này, cho biết họ đã cử các chuyên gia quân sự tới Syria. Giới báo chí cho rằng, nếu không có sự ủng hộ của Moscow, Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể đã mất chức.
Theo các quan chức Mỹ, Moscow đã gửi thêm máy bay và hai tàu đổ bộ xe tăng đến căn cứ hải quân của Nga tại thành phố ven biển Tartus thuộc Syria. Một lượng nhỏ lính thủy đánh bộ cũng đã được triển khai.
Syria vẫn chìm trong nội chiến suốt 4 năm qua |
Tuy nhiên, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, điều này không có gì mới. Moscow đã công khai cung cấp vũ khí và gửi các chuyên gia quân sự cho Syria trong một thời gian dài. Về phần mình, Syria đã bác bỏ bất cứ thông tin nào nói rằng Nga đang xây dựng lực lượng trên đất của mình.
Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Nga tại Iran cũng cho biết, Moscow đã được cấp giấy phép sử dụng không phận Iran để tới Syria, nhưng Iran chưa xác nhận điều này.
Những diễn biến mới nhất xuất hiện sau khi có những báo cáo về sự thất bại sâu hơn của các lực lượng chính phủ Syria. Hôm qua, lực lượng chính phủ đã mất quyền kiểm soát một căn cứ không quân quan trọng ở Idlib - một trong những vị trí cuối cùng mà chính phủ còn nắm giữ ở tỉnh phía đông bắc đất nước.
Nga và Mỹ hiện đang bất đồng sâu sắc về vấn đề Syria. Trong khi Nga ủng hộ chính phủ Syria và cung cấp vũ khí cho nước này thì Mỹ lại muốn loại bỏ Tổng thống Assad.
Chính quyền của Tổng thống Assad đã gây chiến với các nhóm nổi dậy khác nhau kể từ năm 2011. Đến nay, cuộc xung đột đã giết chết ít nhất 240.000 người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.