Các bức ảnh được chụp từ tàu Lunar Reconnaissance Orbiter (LRO) chuyên giám sát bề mặt Mặt trăng của NASA mới đây cho thấy Mặt trăng đang dần co lại theo thời gian, điều này gây ra các nếp nhăn trong lớp vỏ và những trận động đất trên thực thể này.
Những đoạn đứt gãy có thể tạo ra các trận động đất trên Mặt trăng. Ảnh: CNN |
Không giống như Trái đất, Mặt trăng không có các mảng kiến tạo. Thay vào đó, trải qua hàng trăm triệu năm, phần bên trong Mặt trăng trở nên lạnh hơn khiến cho bề mặt của nó bị nhăn nhúm khi co lại. Không giống như phần vỏ mềm dẻo của một quả nho khi co lại sẽ thành nho khô, lớp vỏ giòn của Mặt trăng sẽ bị vỡ ra, tạo thành các vách đá bậc thang.
Hiện nay có hàng ngàn vách đá nằm rải rác trên bề mặt của Mặt trăng, trung bình có độ dài vài kilomet và cao hàng chục mét. Tàu LRO đã chụp được hơn 3.500 vách đá trên Mặt trăng kể từ năm 2009. Vào năm 1972, hai phi hành gia của con tàu thực hiện sứ mệnh Apollo 17 - Eugene Cernan và Harrison Schmitt - đã phải leo lên một trong những vách đá này bằng xe tự hành.
Video NASA công bố hình ảnh các đoạn đứt gãy trên bề mặt Mặt trăng (nguồn: NASA):
Hiện nay, Mặt trăng đã mỏng hơn 50m vì quá trình co lại. Bên cạnh đó, Mặt trăng còn tạo ra các trận động đất theo các đoạn đứt gãy địa chất. Các nhà nghiên cứu đã phân tích lại dữ liệu địa chấn mà họ thu thập được từ Mặt trăng để so sánh với các hình ảnh được lấy từ tàu trinh sát.
Dữ liệu từ máy đo địa chấn đặt trên Mặt trăng từ các tàu Apollo 11, 12, 14, 15 và 16 cho thấy có tổng cộng 28 trận động đất trên Mặt trăng được ghi lại từ năm 1969 đến 1977. Các nhà nghiên cứu đã so sánh vị trí của các thiên thạch với các trận động đất theo hình ảnh quỹ đạo của các đoạn đứt gãy địa chất. Ít nhất 8 trong số các trận động đất xảy ra từ hoạt động theo các đoạn đứt gãy này.
Theo kết quả công bố trên Tạp chí Nature Geoscience ngày 13-5, các nhà nghiên cứu cho rằng máy đo địa chấn Apollo đã ghi lại hiện tượng Mặt trăng co lại qua việc nghiên cứu dữ liệu và phân tích hơn 12.000 bức ảnh của tàu quỹ đạo trinh sát.
Một số trận động đất xảy ra tại một điểm trên quỹ đạo của Mặt trăng khi nó ở xa Trái đất nhất, điều này cho thấy sức ép thủy triều của Trái đất có thể góp phần gây ra áp lực cho lớp vỏ của Mặt trăng.
“Chúng ta thường không nhìn thấy địa hình kiến tạo ở bất cứ nơi nào ngoài Trái đất, vì vậy rất thú vị khi nghĩ rằng những đoạn đứt gãy này có thể tạo ra các trận động đất trên Mặt trăng”, Nicholas Schmerr – tác giả nghiên cứu và Phó Giáo sư Địa lý học tại Đại học Maryland giải thích trong một tuyên bố.
“Đối với tôi, những phát hiện này nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải quay trở lại Mặt trăng. Chúng ta đã biết được rất nhiều thứ từ các nhiệm vụ của Apollo, nhưng chúng thực sự chỉ làm trầy xước bề mặt của thực thể này. Với một mạng lưới địa chấn hiện đại lớn hơn, chúng ta có thể đạt được những bước tiến lớn trong sự hiểu biết về địa chất của Mặt trăng. Cung cấp này hứa hẹn đem đến một nhiệm vụ khám phá Mặt trăng mới trong tương lai”, ông Schmerr cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.