(HNM) - Nhằm thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ cũng như phát triển tài sản trí tuệ, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Kế hoạch số 242/KH-UBND ngày 27-12-2018 về việc thực hiện “Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2019-2020”. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Lê Ngọc Anh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh vấn đề này.
Mô hình thâm canh bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Hữu Tiệp |
- Xin ông cho biết trong thời gian qua thành phố đã có những chính sách gì để thúc đẩy hoạt động phát triển tài sản trí tuệ?
- Thực hiện Quyết định số 6374/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội phê duyệt “Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2010-2020” có nội dung “Hỗ trợ phát triển tài sản sở hữu trí tuệ trên địa bàn Hà Nội”, trong đó, giai đoạn 2011-2016 đã đạt những hiệu quả rõ rệt, góp phần đưa hoạt động sở hữu trí tuệ đến nhiều nơi trên địa bàn thành phố.
Có thể kể đến 22 dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho nhiều sản phẩm đặc sản mang địa danh của Hà Nội đã được hỗ trợ. Một số sản phẩm nông nghiệp được cộng đồng quốc tế đón nhận, tạo được vị thế trên thị trường quốc tế, như: Nhãn chín muộn Đại Thành đã được xuất khẩu sang Malaysia, Singapore; sản phẩm mây tre đan Phú Nghĩa, sản phẩm sơn mài Hạ Thái (Duyên Thái) đã được xuất sang Nhật Bản, Mỹ...
Giai đoạn 2016-2018 có 23 nhãn hiệu tập thể đã được đăng ký và bảo hộ; 30 sản phẩm làng nghề thành phố công nhận đã được hỗ trợ quản lý và phát triển thương hiệu. Chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu làng nghề của thành phố đã góp phần nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất về việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của các sản phẩm làng nghề; nhiều sản phẩm sau khi được thiết kế biểu tượng (logo) và hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu đã tạo được uy tín trên thị trường.
Bên cạnh đó, để nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, Hà Nội có hoạt động hưởng ứng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26-4, được tổ chức hằng năm, thu hút hàng nghìn người tham gia. Một cẩm nang giới thiệu một số sản phẩm đặc sản Hà Nội đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể cũng đã được xây dựng...
- Theo ông, đâu là những đặc trưng, thuận lợi cũng như thách thức đối với công tác phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn Thủ đô?
- Hà Nội hiện có 300 làng nghề truyền thống đã được công nhận và hơn 1.300 làng có nghề, lớn nhất cả nước với nhiều sản phẩm đặc sản tiêu biểu mang văn hóa riêng. Hà Nội thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng nên được thiên nhiên, thổ nhưỡng ưu đãi cho nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản, như cam Canh, bưởi Diễn, cốm làng Vòng, đào Nhật Tân, lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng... Do đó, tiềm năng phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm nông nghiệp và làng nghề đặc trưng của Hà Nội là rất lớn.
Hơn nữa, Thủ đô là nơi tập trung đông nhất các nhà khoa học đầu ngành đang công tác tại các trường đại học, cao đẳng, viện, cơ quan nghiên cứu khoa học, có thể hỗ trợ, phân tích và xác định các đặc tính sản phẩm và lịch sử, văn hóa hình thành của sản phẩm mang địa danh Hà Nội. Bên cạnh những thuận lợi thì thách thức trong công tác khai thác và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn Hà Nội rất lớn và cần có lộ trình cụ thể theo từng giai đoạn.
- Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2019-2020 đặt ra những mục tiêu gì?
- Trong giai đoạn này, trước mắt Hà Nội sẽ tập trung nâng cao nhận thức về tạo lập, quản lý và bảo vệ tài sản trí tuệ cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố. Cụ thể, Hà Nội tập trung truyền thông về sở hữu trí tuệ; tổ chức đào tạo, tập huấn ít nhất 32 lớp để nâng cao nhận thức, năng lực phát triển tài sản trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố; triển khai xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận ít nhất cho 31 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề mang địa danh của thành phố; hỗ trợ, khai thác, áp dụng ít nhất 1 sáng chế, giải pháp hữu ích vào thực tiễn; hỗ trợ phát triển sở hữu trí tuệ cho ít nhất 4 nhãn hiệu tập thể đã được bảo hộ.
- Vậy Chương trình đã đề ra những giải pháp nào để đạt được những mục tiêu nói trên?
- Kế hoạch số 242/KH-UBND ngày 27-12-2018 về việc thực hiện “Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2019-2020” đã phân công nhiệm vụ cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan; Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp. Các hoạt động chính của Chương trình tập trung vào việc tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề giới thiệu pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Thành phố cũng sẽ xây dựng và triển khai phương án áp dụng công nghệ, các giải pháp từ các sáng chế, giải pháp hữu ích đã lựa chọn; chú trọng hỗ trợ khai thác, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Đặc biệt, giai đoạn 2019-2020, thành phố tập trung phát triển tài sản trí tuệ cho một số sản phẩm đã được Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát đánh giá có tiềm năng phát triển trên cơ sở nhu cầu thực tế của thị trường.
Đó là một số sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề mang địa danh của thành phố được lựa chọn bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận như: Hoa Tây Tựu, miến Cự Đà (xã Cự Khê), sản phẩm chăn nuôi hữu cơ xã Phương Đình, dược liệu hữu cơ Sóc Sơn, thuốc nam Ba Vì, gạo Phú Xuyên, thịt lợn sinh học Phúc Thọ...
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.