Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn

Linh Nhi - Hoài Thanh| 01/05/2019 08:05

(HNM) - Kỷ niệm 133 năm Ngày Quốc tế Lao động (1-5), tổ chức Công đoàn Việt Nam tự hào 90 năm bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của người lao động đã có nhiều hoạt động thiết thực, còn công nhân thì ra sức thi đua lao động đạt mục tiêu: Năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn.


Anh Lê Kim Hùng, công nhân bậc 7/7, Công ty Điện lực Ba Đình:
Nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa lưới điện

Là thợ bậc 7/7 từ năm 1990, nhưng với mục tiêu để nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, thời gian qua ngoài sự quan tâm nâng cao trình độ của Tổng công ty Điện lực Hà Nội tôi còn phải tự học hỏi để thực hiện chương trình hiện đại hóa lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và của Tổng công ty Điện lực Hà Nội. Đặc thù của công nhân ngành Điện là luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro như điện giật, ngã từ trên cao xuống, làm việc ngoài trời bất kể thời tiết mưa, nắng. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới và để Tập đoàn Điện lực Việt Nam trở thành Tập đoàn Điện lực hàng đầu ASEAN, ngoài kiến thức, kinh nghiệm tích lũy từ 42 năm phục vụ trong ngành, tôi thấy công nhân điện cần phải tự nâng cao trình độ kỹ thuật cao để quản lý hệ thống điện, truyền tải, bảo đảm an toàn lưới điện.

Anh Nguyễn Đức Cường, công nhân bậc 7/7, Tổ trưởng tổ sửa chữa cơ điện, Công ty cổ phần Điện cơ Thống Nhất:
Sẵn sàng mọi nhiệm vụ

Hơn 30 năm gắn bó với công việc máy móc cơ khí, tôi hiểu rõ ở đâu có năng suất, chất lượng sản phẩm cao, ở đó cần những người công nhân, người thợ đam mê nghề nghiệp. Song đó chưa phải yếu tố quyết định sự phát triển của doanh nghiệp, mà sự tự giác phấn đấu rèn luyện bản thân, trong đó rèn luyện ý thức đạo đức nghề nghiệp của mỗi cá nhân mới là quan trọng. Song song với đó, kỷ luật lao động phải đi đôi với hài hòa lợi ích, bảo đảm sự công bằng trong công việc và quyền lợi đối với người lao động.

Bản thân tôi luôn chỉ đạo sát sao và tạo điều kiện để mọi thành viên trong tổ hoàn thành tốt nhất tiến độ và chất lượng công việc được giao; vận động anh em công nhân nâng cao ý thức tiết kiệm vật tư, dụng cụ, nhiên liệu... trong sản xuất. Ngoài ra, tôi luôn phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, sửa chữa để “cứu” các thiết bị hư hỏng nặng trong điều kiện đơn vị còn khó khăn về vật tư, thiết bị; giúp đỡ anh em công nhân tiến bộ và nâng cao ý thức, kỷ luật, lao động đạt năng suất, chất lượng cao.

Chị Phạm Thị Hoạt, công nhân Công ty TNHH Hệ thống dây Sumi-Hanel:
Quan tâm cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân

Là một công nhân lao động trực tiếp với thâm niên gần 20 năm, tôi luôn tự hào và tự nhắc nhở bản thân phải hết lòng với công việc ở xưởng sản xuất, cũng như rèn luyện bản thân xứng đáng vai trò Đảng, Nhà nước đã kỳ vọng ở người công nhân là những người đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước. Tinh thần ấy của người công nhân chúng tôi càng được củng cố qua sự quan tâm thiết thực về vật chất và tinh thần của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2013 bắt đầu có hiệu lực, quy định bắt buộc về đối thoại định kỳ giữa doanh nghiệp và người lao động thì các cuộc đối thoại ngày càng hoàn thiện và hiệu quả hơn. Cơ chế đối thoại giữa người sử dụng lao động và người lao động được coi trọng đã góp phần nâng cao năng suất và cải thiện điều kiện làm việc của người lao động. Điển hình suất ăn trưa của người lao động được nâng giá trị và có nhiều sự lựa chọn hơn… Ban Giám đốc sẵn sàng tiếp xúc với người lao động khi có việc cần; mọi tâm tư, nguyện vọng của người lao động được lắng nghe, tiếp thu, giải quyết thấu đáo khiến người lao động yên tâm, hứng khởi trong lao động sản xuất đạt năng suất, chất lượng tốt hơn.

Chị Lê Ngọc Linh, Công ty Mitsubishi Khu công nghiệp chế xuất, Hà Nội:
Mong được học tập và cống hiến


Để tay nghề vững vàng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu công việc, nhất là trong điều kiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, tôi nghĩ rằng tổ chức Công đoàn cần chăm lo tới điều kiện học hành cho công nhân bằng cách đàm phán, thương lượng để phía doanh nghiệp bỏ chi phí cho công nhân học tập nâng cao tay nghề. Đồng thời người sử dụng lao động cũng cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ để người lao động được học ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp ứng xử…, tiến tới hoàn thiện bản thân, hoàn thành tốt hơn công việc được giao. Doanh nghiệp quan tâm thiết thực bao nhiêu thì công nhân lao động càng gắn bó và cống hiến nhiều hơn cho doanh nghiệp bấy nhiêu. Chúng tôi cũng mong được cống hiến tốt nhất cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những điều kiện trên giúp chúng tôi có đủ nền tảng vững chắc để tiến về phía trước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.