Góc nhìn

Nâng lương, nâng trách nhiệm

Mai Lâm 08/07/2023 13:16

Một thông tin được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang vui mừng đón nhận, đó là từ ngày 1-7-2023, Chính phủ áp dụng mức lương cơ sở mới ở mức 1,8 triệu đồng/tháng.

Cụ thể, sẽ có 9 nhóm đối tượng sẽ được hưởng lương, phụ cấp theo mức mới. Không vui sao được khi đây là đợt tăng lương cơ sở với mức tăng cao nhất trong tổng số 16 lần tăng tính từ năm 2000 đến nay, có thể bảo đảm duy trì mức sống ổn định cho gia đình để người được hưởng lương, phụ cấp theo mức mới yên tâm công tác, cống hiến.

Có thể nói, quyết định tăng lương với “bước tăng” khá lớn trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung và kinh tế trong nước nói riêng đang gặp không ít khó khăn là nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước. Thẳng thắn nhìn nhận, với độ mở của nền kinh tế, tốc độ hội nhập cao, trong những năm qua, mức lương dành cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang so với mặt bằng chung chưa đáp ứng được yêu cầu.

Một ví dụ điển hình thường được dẫn ra để so sánh là lương của một cử nhân đi làm cho cơ quan nhà nước không bằng thu nhập của người chạy xe ôm công nghệ hay lao động tay chân. Điều đó khiến một số "công bộc" chưa yên tâm công tác, đây đó vẫn còn hiện tượng “chân trong chân ngoài”, thậm chí có người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để hạch sách, nhũng nhiễu nhằm kiếm lợi cá nhân. Hệ quả của những việc làm tiêu cực kể trên là công việc bị đình trệ, người dân, doanh nghiệp bức xúc..., chưa nói đến thiệt hại của nền kinh tế nói chung.

Còn nhớ, tháng 4-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 280/CĐ-TTg về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương.

Công điện chỉ rõ rằng, trong thời gian qua đã xảy ra tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả; cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình đã được cải thiện, tạo sự chuyển động tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh đó, đợt tăng lương lần này như là một cú hích, góp phần tác động, nâng cao trách nhiệm, văn hóa công vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Rõ ràng, quyền lợi phải gắn liền với trách nhiệm. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần nhận thức rõ được sự quan tâm mà Đảng, Nhà nước đã hết sức nỗ lực ưu ái dành cho, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần khơi thông dòng chảy kinh tế - xã hội.

Ngoài việc thực hiện đúng các quy định, rõ trách nhiệm với công việc được giao, tất cả còn phải thực hiện tốt các bộ quy tắc ứng xử tại công sở, nơi công cộng để làm gương, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Với Thành phố Hà Nội, đó là Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố đã được ban hành từ năm 2017, bắt đầu từ việc sử dụng trang phục lịch sự, thái độ niềm nở, khiêm tốn... đến giải quyết công việc đúng quy định, đúng quy trình, không sách nhiễu, gây căng thẳng, dọa nạt người dân... ứng xử đúng mực, hoàn thành trách nhiệm là không phụ sự quan tâm, ưu ái của Đảng, Nhà nước và sự tin yêu, tín nhiệm của người dân, doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng lương, nâng trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.