Lương - Bảo hiểm

Tăng lương cơ sở từ ngày 1-7-2023, lương hưu sẽ thay đổi thế nào?

Vũ Minh 29/06/2023 - 14:21

Mức lương cơ sở là căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đồng thời là căn cứ để tính mức hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và nhiều chế độ khác. Từ 1-7-2023, mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng, nên mức hưởng lương hưu và các chế độ khác tăng theo.

Lương hưu tăng theo lương cơ sở

BHXH Việt Nam cho biết, theo Điều 56 của Luật BHXH hiện hành và điều 7 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11-11-2015 của Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc”, thì mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

luong-huu-se-tang-theo-luong-co-so(1).jpg
Lương hưu sẽ tăng theo lương cơ sở.

Từ năm 2022, khi đến tuổi nghỉ hưu, người lao động được hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH khi có đủ 20 năm đóng BHXH đối với nam và đủ 15 năm đóng BHXH đối với nữ. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, thì người lao động được tính thêm 2%, tối đa bằng 75%. Nói cách khác, khi đủ điều kiện thụ hưởng, thì người dân nhận lương hưu với tỷ lệ thấp nhất bằng 45%, cao nhất bằng 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để hưởng lương hưu cũng được quy định rõ tại điều 62 của Luật BHXH. Trong đó, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này, thì mức bình quân tiền lương tháng của số năm đóng BHXH trước khi nghỉ hưu như sau:

- Tham gia BHXH trước ngày 1-1-1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

- Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-1995 đến ngày 31-12-2000, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

- Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2001 đến ngày 31-12-2006, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

- Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2007 đến ngày 31-12-2015, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

- Tham gia BHXH từ ngày 1-1-2016 đến ngày 31-12-2019, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

- Tham gia BHXH từ ngày 1-1-2020 đến ngày 31-12-2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

- Tham gia BHXH từ ngày 1-1-2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.

Người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.

Trường hợp người lao động vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì mức lương hưu tính theo mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH chung của các thời gian. Trong đó, thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH theo quy định tại điều 62 của Luật BHXH.

Cũng theo Luật BHXH hiện hành, lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia BHXH bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu bằng mức lương cơ sở, đồng nghĩa, mức lương hưu thấp nhất sẽ tăng từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng…

Căn cứ theo các quy định nêu trên, mức lương cơ sở tăng từ ngày 1-7-2023, tất yếu mức hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng và một số chế độ khác cũng tăng cùng thời điểm.

Mức tăng từ 12,5% đến 20,8%

Để các cơ quan chức năng có căn cứ điều chỉnh tiền lương hưu đúng mức, đúng đối tượng thụ hưởng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã dự thảo thông tư hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng từ ngày 1-7-2023. Theo dự thảo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất tăng từ 12,5% đến 20,8% với 3 nhóm đối tượng.

nguoi-lao-dong.jpg
Người lao động đóng đủ số năm đóng BHXH sẽ được hưởng lương hưu.

Mức tăng 12,5% áp dụng với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng. Mức tăng 20,8% trên nền lương hưu của tháng 6-2023 áp dụng cho người hưởng lương nhà nước, nghỉ hưu từ ngày 1-1-2022 đến trước ngày 1-7-2023 và nhóm đang hưởng chế độ trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tiền tuất hằng tháng trước năm 1995. Người hưởng lương hưu, trợ cấp trước ngày 1-1-1995 đang hưởng mức thấp được đề xuất bù thêm để đạt 3 triệu đồng/tháng.

Theo tính toán, sau khi điều chỉnh, thì tiền lương của người về hưu do ngân sách chi trả tăng bình quân từ 4.600.000 đồng lên 5.200.000 đồng/tháng. Tiền lương hưu của người hưởng từ Quỹ BHXH tăng bình quân từ 5.600.000 đồng lên 6.300.000 đồng/tháng.

Riêng nhóm hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tiền tuất hằng tháng trước năm 1995 được đề xuất tăng thêm 20,8%, theo tính toán có khoảng 190.000 người thụ hưởng với kinh phí dự kiến 168 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm 2023.

Tổng kinh phí chi trả cho khoảng 3,4 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng trong 6 tháng cuối năm 2023 dự kiến gần 15.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách chi 3.200 tỷ đồng, Quỹ BHXH bảo đảm hơn 11.700 tỷ đồng.

Đón nhận thông tin lương hưu tăng, các trường hợp thụ hưởng đều phấn khởi, nhưng họ cũng có chung mong muốn các cơ quan chức năng có giải pháp “ngăn đà” tăng giá cả tiêu dùng. Làm được như vậy thì việc điều chỉnh tăng lương cơ sở cũng như lương hưu mới có ý nghĩa góp phần nâng cao mức sống cho người hưởng lương. Đó cũng là giải pháp để tăng sức hấp dẫn của chính sách BHXH.

Người hưởng cao nhất cả nước lên tới hơn 124.000.000 đồng/tháng

Theo BHXH Việt Nam, hiện nay, cả nước có hơn 470 trường hợp hưởng lương lưu từ 20.000.000 đồng trở lên. Trong đó, mức hưởng từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng có hơn 380 trường hợp; từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng có 80 trường hợp; từ 50.000.000 đồng trở lên có 9 trường hợp. Người hưởng cao nhất cả nước lên tới hơn 124.000.000 đồng/tháng là ông P.P.N.T, trú tại thành phố Hồ Chí Minh.

Những trường hợp hưởng lương hưu cao đều làm việc trong các công ty tư nhân, công ty liên doanh, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, có thời gian đóng BHXH theo mức lương thực hưởng bằng tiền ngoại tệ hoặc tiền đồng Việt Nam ở mức cao (trước năm 2007) hoặc theo mức tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng (từ năm 2007 trở đi).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng lương cơ sở từ ngày 1-7-2023, lương hưu sẽ thay đổi thế nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.