Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để việc tăng lương hụt hơi trước ''bão'' giá

Nhóm phóng viên| 16/05/2023 06:45

(HNM) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng, áp dụng từ ngày 1-7 tới.

Phấn khởi trước thông tin này, nhiều người cũng mong muốn việc tăng lương sẽ phần nào bù được tình trạng trượt giá. Đồng thời các cơ quan quản lý thực hiện các giải pháp để bảo đảm việc tăng lương thực sự phát huy hiệu quả, không bị hụt hơi trước “bão” giá.

Bà Trần Thị Bích Châm, nhân viên Trạm Y tế thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng:
Cần kiểm soát chặt về giá

Biết tin thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở tôi rất mừng và hy vọng điều kiện sống sẽ cải thiện hơn. Trong giai đoạn hiện nay, việc tăng mức lương cơ sở thực sự là nỗ lực rất đáng trân trọng của các Đảng, Nhà nước ta. Nhưng thực tế cho thấy, dù chính sách tiền lương đã trải qua nhiều lần cải cách, song vẫn còn không ít bất cập, đòi hỏi cần điều chỉnh ngay để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, thực trạng “bão giá”, vấn nạn người bán hàng “té nước theo mưa”, lợi dụng việc tăng lương để đẩy giá lên cao từng tồn tại gây bức xúc cho dư luận.

Để việc tăng lương thực sự nâng cao đời sống, khuyến khích người lao động yên tâm làm việc thì giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đóng vai trò rất quan trọng. Do vậy, cùng với thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động, tăng cường hệ thống an sinh xã hội, các cấp, ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện đồng bộ các giải pháp thị trường với kiểm soát chặt về giá. Đồng thời, phải xử lý nghiêm trường hợp vi phạm để kiềm chế lạm phát, bình ổn hàng hóa cùng các dịch vụ thiết yếu, không để ảnh hưởng đến đời sống vật chất của cán bộ, công chức, viên chức và ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng yếu thế, người làm công ăn lương.

Ông Lê Trọng Phong, ngõ 67 phố Đức Giang, phường Đức Giang, quận Long Biên:
Nghiên cứu mức tăng phù hợp

Gia đình tôi có 6 người, tất cả đều trông vào lương của hai vợ chồng tôi. Mỗi tháng, tổng thu nhập của chúng tôi khoảng gần 20 triệu đồng, phải khéo chi tiêu mới đủ nuôi 2 con ăn học. Khi mức lương cơ sở được điều chỉnh, mỗi tháng thu nhập của tôi tăng thêm khoảng 1,5 triệu đồng, sẽ giúp chúng tôi có thêm khoản tiền để trang trải cuộc sống… Từ năm 2002 đến nay, Nhà nước đã có tới 8 lần điều chỉnh lương tối thiểu và lần tăng lương tới đây được đánh giá là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, phải thẳng thắn rằng, mức tăng này có đủ để bù đắp chi phí cuộc sống và giúp người lao động, cán bộ, công chức yên tâm công tác lại phải đợi khi đi vào thực tiễn. Đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động tại các đô thị lớn vẫn phải “liệu cơm gắp mắm” với đồng lương trong các quyết định chi tiêu hằng ngày.

Điều tôi và nhiều người lo ngại là trước và sau mỗi kỳ tăng lương, thị trường thường đi kèm những đợt “bão” giá. Lương tăng 1 thì giá cả tăng gấp 2-3 lần. Vì vậy, để việc tăng lương đi vào thực chất cần nghiên cứu mức tăng phù hợp, đồng thời có các biện pháp kiềm chế lạm phát, kiểm soát giá cả thị trường để “cuộc đua” tăng lương không bị “hụt hơi” trước “cơn bão” giá.

Ông Ngô Văn Khánh, giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội:
Lo ngại về cơn sốt giá

Sau 3 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, cuộc sống của người lao động khá khó khăn và họ mong chờ được tăng thu nhập. Mục tiêu của việc tăng lương cơ sở là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động, khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám”, nhảy việc, bỏ việc trong đội ngũ công chức, viên chức. Mục tiêu này sẽ không thể đạt được nếu lạm phát không được kiềm chế và giá cả hàng hóa thiết yếu tăng nhanh hơn hoặc bằng mức tăng lương.

Báo chí đưa tin, việc tăng lương cơ sở sẽ được thực hiện từ ngày 1-7-2023 nhưng ngay từ đầu tháng 5-2023, giá điện sinh hoạt đã được điều chỉnh tăng 3% và theo đề xuất của Sở Tài chính Hà Nội, từ tháng 7 năm nay, giá nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố cũng tăng. Điện và nước là hai mặt hàng thiết yếu của người dân và có nhu cầu sử dụng cao, đặc biệt vào mùa nắng nóng. Việc tăng giá 2 mặt hàng này trước và cùng thời điểm tăng lương cơ sở khiến người dân lo ngại sẽ tạo nên “cơn sốt” giá cả hàng hóa trên thị trường, khiến lương tăng không đủ bù đắp chi phí cho các sinh hoạt thiết yếu.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp:
Tăng lương, thu nhập chịu thuế và tiền đóng bảo hiểm xã hội sẽ tăng theo

Khoản 1, Điều 3, Nghị định số 38/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, lương cơ sở là căn cứ để tính lương cho người lao động trong bảng lương; tính phụ cấp, hoạt động phí… và thực hiện các chế độ khác theo quy định. Từ ngày 1-7-2023, mức lương cơ sở sẽ tăng khoảng 20,8%, do đó thu nhập chịu thuế của cán bộ, công chức, viên chức cũng sẽ tăng theo. Theo quy định, sau khi trừ đi khoản giảm trừ gia cảnh (nếu có), số tiền còn lại của người lao động sẽ là thu nhập chịu thuế. Nếu mức giảm trừ của người lao động không có sự thay đổi thì mức thu nhập tính thuế sẽ tăng lên, mức đóng bảo hiểm xã hội cũng vậy.

Ngoài nỗi lo tăng lương kéo theo tăng giá, người lao động còn phải chịu thêm những chi phí khác đi kèm với việc tăng lương. Vấn đề đặt ra là tăng lương để bù đắp những khó khăn cho người lao động, làm tiền đề cho việc cải cách tiền lương. Nhưng nếu trừ đi các chi phí tăng thêm và mặt bằng giá cả không ổn định, thì việc tăng lương phát huy hiệu quả đến đâu vẫn là bài toán chưa có ngay lời giải. Tất nhiên phải đợi khi mức lương cơ sở mới được áp dụng vào thực tế, lời giải của bài toán này sẽ rõ hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không để việc tăng lương hụt hơi trước ''bão'' giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.