LTS: Để cùng độc giả đánh giá, bình luận về những sự kiện, vấn đề thời sự quốc tế nổi bật, Báo Hànộimới mở chuyên mục "Luận đàm thời sự" trên các số báo ra ngày thứ ba và thứ sáu hằng tuần.
Chuyên mục được thực hiện bởi các chuyên gia, nhà báo uy tín với những góc nhìn, bình luận sát thực, sinh động, qua đó giúp độc giả nhìn nhận đúng đắn về bối cảnh, tình hình cũng như những vấn đề thời sự quốc tế nóng bỏng, có ảnh hưởng lớn. Rất mong đón nhận những chia sẻ, góp ý để chuyên mục ngày càng được nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả...
Trong khoảng thời gian không đầy một tháng vừa qua, Mỹ và Trung Quốc bất ngờ có nhiều cuộc gặp gỡ cấp cao. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken tới Bắc Kinh, rồi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen dành nhiều ngày ở thăm Trung Quốc. Ở Indonesia, ông Blinken gặp ông Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Rồi Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Joe Biden về chống biến đổi khí hậu, ông John Kerry, cũng công du Trung Quốc.
Tần suất các chuyến thăm và gặp gỡ song phương này được bên ngoài đặc biệt để ý đến bởi mối quan hệ đôi bên đang bị chính hai "đương sự" đánh giá là "xấu nhất" kể từ trước đến nay. Trung Quốc phản ứng chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi bằng quyết định ngưng trệ mọi kênh tiếp xúc và đối thoại song phương, kể cả kênh liên lạc trực tiếp về quân sự. Ông Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có gặp nhau bên lề hội nghị cấp cao năm ngoái của nhóm G20 ở Bali (Indonesia) nhưng mọi bế tắc vẫn chưa được tháo gỡ. Vì thế, những sự kiện ngoại giao dồn dập giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian một tháng qua khơi dậy ấn tượng và cảm nhận băng giá bắt đầu tan dần trong mối quan hệ song phương này.
Trong khi Trung Quốc tỏ ra vẫn còn chần chừ và thận trọng, Mỹ biểu lộ sự sốt sắng hơn với việc khôi phục các kênh tiếp xúc và đối thoại cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc. Chuyến thăm Trung Quốc của ông Blinken và bà Yellen, rồi cuộc gặp giữa ông Blinken với ông Vương Nghị dù không thành công như phía Mỹ mong đợi, nhưng cũng không phải là thất bại đối với cả hai bên. Ông Kerry dễ đạt được thành tựu hơn vì chống biến đổi khí hậu là lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc dễ hợp tác với nhau nhất và đồng thời ý thức được rằng không thể không hợp tác với nhau, là lĩnh vực mà cả hai nhận thức được rằng đồng hành với nhau chứ không cạnh tranh mới có lợi cho cả hai bên về kinh tế, về chính trị thế giới cũng như môi trường trái đất.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn phải chờ lâu nữa thì mới có được bước chuyển rõ nét trong thực chất giúp hai bên vượt qua được tình trạng hiện tại. Những hoạt động ngoại giao dồn dập giữa hai bên trong những ngày gần đây báo hiệu hai phía bắt đầu đi vào tiến trình giảm căng thẳng, bắt đầu đi vào hòa dịu nhưng không nhanh và vội, chủ ý thận trọng và chắc chắn, bên này dò nhìn hành động của phía kia để tiện bề kịp thời tiến thoái. Bên nào cũng tính toán kỹ, vào thời điểm nào thì nêu ra yêu sách gì hay nhượng bộ bao nhiêu để giữ thể diện và tránh bị coi là yếu thế.
Những mưu tính chiến lược riêng về địa chính trị và chính trị an ninh thế giới, bất đồng quan điểm cơ bản và xung khắc lợi ích chiến lược trước mắt cũng như lâu dài khiến cho Mỹ và Trung Quốc thừa biết rằng mối quan hệ song phương này gần như không thể thật sự tốt đẹp và thật sự tin cậy, nhưng vì chưa thể "thoát được nhau" nên hai bên cần phải duy trì quan hệ hợp tác bình thường hoặc ít nhất thì cũng phải luôn "quản trị được quan hệ và kiểm soát được diễn biến của quan hệ". Do vậy, hai bên mới có hàng loạt động thái ngoại giao nói trên.
Vì thế, sự kiện nào trong số ấy cho dù không đưa lại kết quả khai thông, đột phá nhưng vẫn có ý nghĩa chính trị quan trọng và tác động biểu trưng to lớn. Người Việt có thành ngữ:
"Xa mặt, cách lòng". Theo đó, muốn giảm bớt những điều chưa hiểu nhau vì khoảng cách địa lý thì cần thường xuyên gặp gỡ nhau hơn. Điều này đúng cả trong cuộc sống con người cũng như trong quan hệ quốc tế.
Đại sứ Trần Đức Mậu
Nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại - Bộ Ngoại giao
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.