Thế giới

Thủ tướng Trung Quốc thăm Đức: Tăng cường gắn kết bền vững

Hoàng Linh 22/06/2023 - 07:44

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường, nhu cầu gắn kết bền vững giữa Trung Quốc và Đức - hai nền kinh tế hàng đầu lục địa Á - Âu vốn khá tốt đẹp trong thời gian qua - càng trở nên rõ nét. Điều này thể hiện sâu sắc qua việc Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường chọn Đức làm điểm công du nước ngoài đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình.

thutg-duc.jpg
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (bên phải) đón Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Berlin (Đức).

Mối quan hệ Trung Quốc - Đức diễn ra khá tốt đẹp trong thập kỷ qua. Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc và nhu cầu của nước này đối với ô tô, công nghệ Đức đã thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế số một châu Âu. Năm 2022 đánh dấu năm thứ bảy liên tiếp Trung Quốc giữ vị thế đối tác thương mại lớn nhất của Đức, với giá trị trao đổi hàng hóa khoảng 300 tỷ euro. Hơn 5.000 công ty Đức với 1,1 triệu nhân viên đang hoạt động tại quốc gia Đông Á. Nền kinh tế Đức hưởng lợi lớn từ lao động giá rẻ, nguồn nguyên liệu dồi dào và thị trường nội địa khổng lồ của đối tác.

Trong bối cảnh đó, không lạ khi hai bên đặt nhau ở vị trí chiến lược trong tiến trình phát triển giữa lúc kinh tế toàn cầu nhiều khó khăn. Tầm quan trọng thể hiện trước hết là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Phát ngôn của lãnh đạo hai nước cũng toát lên nhu cầu xích lại gần nhau.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nêu rõ, thế giới ngày nay đang ở trong giai đoạn mới của sự thay đổi và điều cần thiết là Trung Quốc và Đức duy trì truyền thống hữu nghị song phương. “Thiếu hợp tác là rủi ro lớn nhất, thiếu phát triển là bất an lớn nhất”, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nhấn mạnh khi gặp gỡ các doanh nghiệp hàng đầu của Đức. Về phần mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hoan nghênh chuyến thăm và nhấn mạnh tầm quan trọng của vòng tham vấn cấp chính phủ giữa Đức và Trung Quốc lần thứ bảy, với chủ đề “Cùng nhau hành động bền vững”, vốn là hoạt động chỉ được Berlin tiến hành với các đối tác đặc biệt thân thiết.

Bên cạnh nỗ lực củng cố quan hệ hợp tác, giới quan sát cho rằng, Trung Quốc còn muốn cùng Đức vượt qua những khác biệt trong bối cảnh thế giới biến động. Hiểu biết chung vào lúc này đặc biệt quan trọng khi ngày càng có nhiều luồng “gió ngược” tác động lên mối quan hệ song phương. Trong đó, phải kể tới quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ đang trở nên căng thẳng và Liên minh châu Âu (EU) đang muốn giảm sự lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc cũng như những tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine… Trước việc Ủy ban châu Âu đề xuất chiến lược kiểm soát đầu tư và xuất khẩu sang Trung Quốc, tiếng nói của Berlin sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm EU không đi quá xa trong các quyết định điều tiết quan hệ thương mại.

Đức cũng như một số nước châu Âu còn mong muốn Trung Quốc đóng vai trò trụ đỡ trước những rủi ro có thể xảy ra do các chính sách gần đây của Mỹ. Việc Washington tận dụng sự thiếu hụt nguồn cung năng lượng của châu Âu do cuộc xung đột Nga - Ukraine để xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) với giá gấp 4 lần giá bán trong nước được mô tả là “không thể chấp nhận” với Đức. Trong khi đó, Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của xứ Cờ hoa có vẻ ngoài nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp nội địa trong giai đoạn chuỗi cung ứng bị đứt gãy nhưng thực tế lại mang tính bảo hộ khiến các ngành công nghiệp Đức mất lợi thế cạnh tranh.

Chỉ có điều, những mong muốn nói trên hiện đang đối mặt với một số rào cản. Nội bộ Berlin đang có xu hướng cảnh giác trước các quá trình thâu tóm và sáp nhập mà nhóm công ty hàng đầu của Trung Quốc đang tiến hành với nhiều doanh nghiệp Đức. Cùng với đó là lo ngại rò rỉ công nghệ và sáng chế độc quyền. Chưa kể, việc thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc ở thời điểm này cũng sẽ đòi hỏi sự khéo léo của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, để cân bằng quan hệ với các đồng minh trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7): Canada, Pháp, Italia, Nhật Bản, Anh và Mỹ. Về phần mình, Bắc Kinh lâu nay vẫn lên tiếng chỉ trích các quan điểm của Berlin về cuộc xung đột tại Ukraine, cũng như về vấn đề Đài Loan (Trung Quốc).

Dù thế nào, xu hướng quan hệ gắn kết “đôi bên cùng có lợi” giữa Đức và Trung Quốc là dễ thấy và có thể xem là tất yếu. Một số quan điểm khác biệt chắc chắn không thể ngăn cản hai bên tìm kiếm cơ hội hợp tác. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc rõ ràng là một cơ hội quý báu để hai bên có thể ngồi lại cùng nhau, xác định rõ phương hướng và những bước đi phù hợp cho thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Trung Quốc thăm Đức: Tăng cường gắn kết bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.