(HNM) - Một trong những chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 được đặt ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội là vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30-35% nhu cầu đi lại của người dân. Dù còn không ít khó khăn, thách thức, song các cơ quan chức năng của thành phố đang nỗ lực nâng chất lượng, thu hút hành khách đến với vận tải công cộng, phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra.
Từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân
Mạng lưới vận tải hành khách công cộng của Hà Nội hiện có 154 tuyến buýt, trong đó có 132 tuyến có trợ giá, 8 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến city tour. Mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã, đạt tỷ lệ 100%; 510/579 xã, phường, thị trấn, đạt 88,1%; 65/75 bệnh viện, đạt 87%; 192/286 trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông, đạt 67%; 27/27 khu công nghiệp lớn, đạt 100%; 33/37 khu đô thị, đạt 89,2%; 22/24 làng nghề, đạt 91,6%; 23/25 khu di tích lịch sử, văn hóa, du lịch, đạt 92%, kết nối với 7 tỉnh, thành phố lân cận (Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc).
Ngày 6-11-2021, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã được đưa vào khai thác thương mại. Ngay trong năm đầu tiên vận hành, tuyến đường sắt này đã chinh phục được niềm tin của nhân dân và đạt được kết quả tốt nhất trong những kịch bản đã được Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) xây dựng. Tổng Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường cho biết, tuyến hiện có khoảng 10.000 hành khách sử dụng vé tháng. Bình quân mỗi ngày, tuyến phục vụ trên 32.000 lượt hành khách.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) Thái Hồ Phương, năm 2022, dù còn không ít khó khăn, đặc biệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song hoạt động vận tải hành khách công cộng của Thủ đô đã có dấu hiệu phục hồi từ quý II. Chất lượng dịch vụ vận tải công cộng đã được cải thiện (tăng số lượng tuyến, tăng số lượng phương tiện, mở rộng vùng phục vụ). Hà Nội cũng có thêm loại hình xe buýt điện chất lượng cao, qua đó thu hút thêm người dân sử dụng dịch vụ. Trong khi đường sắt đô thị đã dần khẳng định được tính ưu việt bởi tốc độ, thời gian chuyến đi được bảo đảm. Ước tính cả năm 2022, tổng sản lượng hành khách vận chuyển đạt 337,2 triệu lượt (tăng 65,6% so với năm 2021), doanh thu đạt 536,9 tỷ đồng (tăng 118,9% so với năm 2021). Trong đó, mạng lưới xe buýt vận chuyển khoảng 328,9 triệu lượt hành khách và tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vận chuyển hơn 8,2 triệu lượt hành khách; tỷ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân vào khoảng 18,5%.
Để vận tải công cộng ngày càng thu hút người dân
Dù rất đáng ghi nhận, song kết quả trên chưa như kỳ vọng, vì mục tiêu được đề ra trong năm 2022 là đáp ứng khoảng 23% nhu cầu đi lại của người dân. Thực trạng này có rất nhiều nguyên nhân, từ tính hợp lý của mạng lưới, chất lượng phục vụ đến chất lượng vận hành...
Làm sao để vận tải hành khách công cộng hấp dẫn hơn? Về phía các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách, đại diện Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho biết sẽ không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ; tập trung rà soát, đề xuất điều chỉnh biểu đồ hoạt động các tuyến, lộ trình các tuyến, mở rộng vùng phục vụ và tăng kết nối mạng lưới; chủ động phối hợp, đề xuất cơ quan quản lý nhà nước khắc phục các bất cập về hạ tầng tại điểm dừng đỗ... Tổng Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường thông tin, hiện đơn vị đã trình UBND thành phố Hà Nội việc triển khai phương án tổ chức dịch vụ ở các nhà ga để tăng tiện ích cho người dân (tổ chức quầy hàng tiện ích, quảng cáo sản phẩm…), tận dụng lợi thế thương mại của nhà ga đường sắt đô thị tạo thêm nguồn thu, giảm trợ giá từ ngân sách. Ngoài ra, tuyến đường sắt đô thị này đã thử nghiệm phương thức thanh toán hiện đại để người dân mua vé thuận lợi như thanh toán qua mã QR, tích hợp thanh toán điện tử…
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) Nguyễn Tuyển cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tập trung rà soát mạng lưới, đánh giá hiệu quả các tuyến xe buýt để có điều chỉnh cho phù hợp, tăng khả năng tiếp cận của người dân. Những khu vực chưa có xe buýt tiếp cận sẽ mở mới hoặc điều chỉnh lộ trình tuyến. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất thành phố những tuyến đường có thể mở làn đường riêng cho xe buýt để bảo đảm thời gian di chuyển...
“Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ nâng cao chất lượng, kết nối, tăng cường thông tin cho hành khách, phát triển nhiều loại hình vận tải khác, phát triển hợp lý các phương thức vận tải từ đường sắt đô thị, xe buýt đến xe điện bốn bánh, hai bánh; tổ chức bài toán vận tải sao cho hợp lý nhất, giúp xe buýt phát triển và các loại vận tải hành khách công cộng khác cũng phát triển theo, từ đó góp phần giảm phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”, ông Nguyễn Tuyển nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.