Trong 9 tháng của năm 2023, khối lượng vận tải hành khách công cộng thành phố Hồ Chí Minh đạt hơn 302 triệu lượt, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm 2022.
Đó là thông tin được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hồ Chí Minh cho biết ngày 10-10. Trong đó, khối lượng vận chuyển bằng xe buýt có trợ giá trong 9 tháng đạt 58,5 triệu lượt hành khách, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Về mạng lưới tuyến, đến hết tháng 9, thành phố có 91 tuyến xe buýt có trợ giá với tổng cự ly hơn 1.982km và 37 tuyến xe buýt không trợ giá với tổng cự ly hơn 1.555km.
Tổng số phương tiện hiện nay là 2.064 xe buýt hoạt động, gồm 326 phương tiện hoạt động không trợ giá và 1.738 phương tiện hoạt động có trợ giá.
Theo Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàn, trong 3 tháng cuối năm 2023, Trung tâm chuẩn bị đưa vào hoạt động các tuyến xe buýt kết nối với tuyến metro số 1, kết nối Bến xe Văn Thánh.
Bên cạnh đó, đề xuất triển khai kết quả của gói thầu “Tư vấn nghiên cứu tổ chức lại mạng lưới xe buýt trên toàn thành phố và chuẩn bị kế hoạch hành động để nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ của hệ thống xe buýt hiện hữu”.
Ngoài ra, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đưa vào hoạt động các tuyến xe buýt điện; tham mưu phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương, Đồng Nai tổ chức các tuyến xe buýt liền kề.
Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng Kế hoạch chuyển đổi xe buýt điện, năng lượng xanh. Theo đó, đến năm 2025, mọi xe buýt đến niên hạn thay thế sẽ là xe buýt điện, năng lượng xanh. Đến năm 2030, thành phố Hồ Chí Minh sẽ thay thế 1.875 xe buýt chạy dầu DO sang xe thân thiện môi trường, chiếm 50% tổng số xe buýt của thành phố. 5 tuyến xe buýt điện theo quy hoạch hiện tại cũng sẽ được kéo dài thời gian trợ giá 64,8% đến hết ngày 31-12-2025.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.