Sở GTVT đặt mục tiêu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng phấn đấu đạt từ 22-25%, tăng 2,5-5,5% so với năm 2023.
Chiều 17-1, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường, năm 2023, Sở đã đạt được một số kết quả nổi bật: Thu ngân sách (phí, lệ phí) đạt 175,5/182,6 tỷ đồng (đạt 96,11%); giải ngân kế hoạch ước đạt 99,38%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 19,5%; diện tích đất dành cho giao thông đạt 12,13% diện tích đất đô thị; tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính được giải quyết đúng và trước hạn đạt 99%...
Đặc biệt, trong công tác quản lý quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Sở đã chủ trì làm việc với các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố và 8 tỉnh tiếp giáp hoàn thành việc rà soát, đánh giá kết quả thực hiện đồ án quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và bàn giao hồ sơ cho các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai lập quy hoạch tỉnh, thành phố; quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; quy hoạch vùng huyện. Hoàn thiện, bàn giao hồ sơ đồ án Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thành phố phê duyệt...
Sở cũng thực hiện điều chỉnh tổ chức giao thông tại 48 nút giao, tuyến đường; giải quyết được 15/37 điểm ùn tắc giao thông; xử lý dứt điểm 7 “điểm đen” tai nạn giao thông…
Trong năm 2024, Sở GTVT Hà Nội đặt mục tiêu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng phấn đấu đạt từ 22-25%, tăng 2,5-5,5% so với năm 2023; thu ngân sách đạt 158,4 tỷ đồng; chi ngân sách đạt 4.903,67 tỷ đồng…
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn ghi nhận và biểu dương những thành tích ngành GTVT Thủ đô đã đạt được trong năm 2023.
Đặc biệt, Sở đã tham mưu UBND thành phố phê duyệt các dự án lớn, có tính chất đối ngoại và quan trọng và đến nay đã được khởi công như tuyến đường nối cao tốc Đại lộ Thăng Long đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; xây dựng tuyến kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ và Vành đai 3; đầu tư xây dựng đường Vành đai 4. Bên cạnh đó, một số dự án quan trọng của thành phố đã được đưa vào khai thác sử dụng, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông...
Cùng với đó, thành phố cũng đánh giá cao công tác quản lý nhà nước đối với vận tải hành khách công cộng đã có những tín hiệu khả quan sau 3 năm dịch Covid-19 cũng như công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông...
Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Dương Đức Tuấn yêu cầu Sở GTVT tiếp tục chủ động, tham mưu UBND thành phố trong việc đề xuất các chính sách, giải pháp tổ chức thực hiện nhằm giúp cho ngành GTVT Thủ đô vượt qua những thách thức, khó khăn hiện nay, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững hơn trong đầu tư phát triển hạ tầng, vận tải.
Trên cơ sở các nội dung, định hướng của Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô điều chỉnh, tập trung triển khai tổ chức thực hiện điều chỉnh Quy hoạch GTVT, trong đó đặc biệt lưu ý Đề án phát triển mạng lưới đường sắt đô thị.
Tổ chức rà soát, lựa chọn danh mục công trình hạ tầng giao thông cấp bách, trọng điểm để tập trung triển khai đầu tư, nâng cao tỷ lệ giải ngân (trong đó đặc biệt là các giải pháp đưa vào khai thác vận hành đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, đẩy nhanh tiến độ đường Vành đai 4).
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong quản lý, phát triển giao thông đô thị; ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là các loại hình vận tải nhanh, khối lượng lớn; xây dựng hệ thống bản đồ số trực tuyến; hệ thống vé thông minh, vé liên thông đa phương thức các loại hình vận tải hành khách công cộng…
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã trao bằng khen cho các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua năm 2023 của Sở GTVT Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.