(HNM) - Thời gian qua, thành phố Hà Nội luôn quan tâm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Qua đó mang lại nhiều tiện ích, góp phần vào cải cách hành chính, đáp ứng sự mong đợi của người dân, doanh nghiệp.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Đến nay, tổng số thủ tục hành chính của thành phố Hà Nội là 1.843, trong đó có 1.685 thủ tục đủ điều kiện để triển khai dịch vụ công mức độ 3, 4. Tổng số thủ tục hành chính mức độ 3, 4 của thành phố đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia là 266.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy, số người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến ngày càng tăng. Năm 2021, huyện tiếp nhận 305 hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 nhưng từ đầu năm 2022 đến nay đã tiếp nhận 428 hồ sơ. “Để nâng cao tỷ lệ người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, huyện đã chú trọng tuyên truyền tiện ích việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 bằng các hình thức: Thông tin thường xuyên trên chuyên mục “Cải cách hành chính” của Cổng thông tin điện tử huyện; trên đài truyền thanh huyện, các xã, thị trấn; phát tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu…”, ông Nguyễn Mạnh Huy thông tin.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều đơn vị cũng đã chủ động triển khai các tiện ích của dịch vụ công trực tuyến tới người dân. Điển hình như từ tháng 1-2022, bộ phận “một cửa” UBND quận Ba Đình đã có sáng kiến đăng ký đặt hẹn trực tuyến cho công dân khi có nhu cầu làm thủ tục hành chính. Theo đó, công dân có thể truy cập Cổng thông tin điện tử của quận (www.badinh.hanoi.gov.vn), vào mục “Đăng ký đặt hẹn trực tuyến tại bộ phận một cửa” để kê khai thông tin và đặt thời gian muốn làm thủ tục.
Bà Nguyễn Hương Sơn, công chức bộ phận “một cửa” UBND quận Ba Đình cho biết, khi tiếp nhận thông tin, nếu thấy thủ tục công dân muốn làm có thể thực hiện trực tuyến thì cán bộ tiếp nhận sẽ hướng dẫn để họ biết. Một số người sau khi được hướng dẫn đã chọn làm online, không phải đi lại nhiều, tránh tập trung đông người.
Bà Nguyễn Phương Thảo (phường Quán Thánh, quận Ba Đình) chia sẻ: “Nhờ được hướng dẫn thủ tục trích lục khai sinh có thể làm trực tuyến hoàn toàn, không phải đi nộp hồ sơ và nhận kết quả qua đường bưu điện, tôi thấy rất tiện lợi, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức”.
Phấn đấu nâng tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến
Theo Kế hoạch số 285/KH-UBND ngày 13-12-2021 của UBND thành phố Hà Nội, đến hết năm 2025, tối thiểu 80% thủ tục hành chính của thành phố có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4; ít nhất 80% thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của thành phố được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hết năm 2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng hồ sơ của thành phố đạt tối thiểu 50%.
Hiện Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đang phối hợp với các sở, ngành liên quan hoàn chỉnh quyết định phê duyệt danh mục và theo dõi tiến độ hoàn thành, bảo đảm việc thực hiện đủ 70% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của thành phố tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia trong năm 2022.
Theo Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà, cùng với việc tiếp tục triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, UBND quận chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các phường xây dựng quy trình nội bộ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với các dịch vụ hành chính công thuộc thẩm quyền, đồng thời tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất và điều kiện cần thiết để giải quyết thủ tục hành chính mức độ cao theo chỉ đạo của UBND thành phố.
Sở Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện 9 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Đối với dịch vụ công mức 4, Sở đã có văn bản đề xuất 2 dịch vụ công thuộc lĩnh vực môi trường. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Mai Trọng Thái, đặc thù hồ sơ lĩnh vực tài nguyên, môi trường có thành phần phức tạp như: Bản vẽ chuyên ngành, đề án, chứng thư, báo cáo đánh giá tác động môi trường… và quy trình thực hiện qua nhiều khâu, nhiều cấp, đơn vị để giải quyết hồ sơ. Do đó, cần phát triển hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông hiện đại để hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến. Cùng với đó, đơn vị xây dựng phần mềm dịch vụ công trực tuyến cần lựa chọn phương án thuận tiện đăng nhập nhưng cũng cần có biện pháp phòng ngừa nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu, sai lệch kết quả, sửa đổi thông tin, giả mạo ở tất cả các tầng truy nhập.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà, là đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện về công tác cải cách hành chính, Sở sẽ xây dựng các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin theo chức năng, nhiệm vụ được giao liên quan đến cải cách hành chính, trong đó có: Cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức kết nối với Cổng dịch vụ công thành phố, Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin báo cáo cải cách hành chính, qua đó tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ công trực tuyến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.