(HNMO) - Bộ Giao thông Vận tải vừa quyết định giao Ban quản lý dự án 6 lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống) dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, thời gian thực hiện là năm 2021.
Theo đó, Ban quản lý dự án 6 được yêu cầu có trách nhiệm tận dụng toàn bộ các kết quả đã nghiên cứu (nếu có) và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án.
Trước đó, vào đầu tháng 3-2020, Bộ Giao thông Vận tải từng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét tách riêng Dự án nâng cấp tĩnh không cầu Đuống đường sắt để đầu tư trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 và chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội bố trí nguồn lực để thực hiện đồng thời Dự án xây dựng cầu Đuống đường bộ mới phục vụ giao thông đường bộ trên tuyến quốc lộ 1 cũ, bảo đảm đồng bộ với dự án cầu đường sắt.
Bộ Giao thông Vận tải dự kiến đầu tư khoảng 360 tỷ đồng để nâng nhịp thông thuyền cầu Đuống bảo đảm chuẩn tắc sông cấp 2 (tĩnh không 9,5m, bề rộng 50m). Để tránh gián đoạn đường bộ trong thời gian nâng/hạ nhịp, cần xây dựng cầu đường bộ mới cách cầu hiện tại về phía hạ lưu khoảng 100m theo quy hoạch với chi phí khoảng 850 tỷ đồng.
Việc nghiên cứu xây dựng cầu Đuống nằm trong Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi. Dự án tuyến đường sắt này đã hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi, nhưng trong bước nghiên cứu khả thi đoạn tuyến từ Hà Nội đến Gia Lâm và kéo dài đến Yên Viên (trong đó có cầu Đuống) được phân kỳ đầu tư vào các giai đoạn sau của dự án.
Đồng thời, theo Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và căn cứ Luật Thủ đô năm 2012, dự kiến trong giai đoạn đến năm 2020, UBND thành phố Hà Nội triển khai xây dựng cầu Đuống mới để đáp ứng nhu cầu giao thông trên quốc lộ 1.
Hành lang đường thủy số 1 dài 250km qua sông Đuống, bắt đầu từ Quảng Ninh tới cảng Việt Trì trên sông Lô đã được đầu tư, nâng cấp. Tuy nhiên, trên hành lang này hiện có cầu Đuống được xây dựng từ năm 1902 với công năng kết hợp giao thông đường bộ và đường sắt (tuyến Hà Nội - Đồng Đăng), có tĩnh không thấp, chỉ đạt 2,8m tại thời điểm nước cao; bề rộng khoang thông thuyền nhịp giữa chỉ khoảng 26m. Đây chính là điểm nghẽn, làm tăng thời gian, chi phí vận tải bằng đường thủy của các tỉnh phía Bắc đến cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.