(HNM) - Việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, là chỗ dựa đối với người yếu thế, đồng bào dân tộc… Cách làm này góp phần giảm bớt những vụ việc vi phạm pháp luật, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật của người dân.
Theo tính toán, trung bình mỗi năm, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cung cấp miễn phí khoảng 100.000 vụ việc trợ giúp pháp lý cụ thể cho người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số..., qua đó bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) thông tin, trong năm 2022, số lượng các vụ việc trợ giúp pháp lý tăng so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, số vụ việc thụ lý mới là 25.043 vụ việc, tăng 16%; số vụ việc thực hiện là 38.030 vụ việc, tăng 18%. Báo cáo của 63 trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cho thấy, từ ngày 1-11-2021 đến cuối năm 2022, có 7.417 vụ việc tham gia tố tụng được đánh giá là thành công theo tiêu chí được quy định tại Quyết định số 1179/QĐ-BTP ngày 16-5-2022 của Bộ Tư pháp. Nhiều vụ việc tham gia tố tụng có quan điểm bào chữa, bảo vệ của người thực hiện trợ giúp pháp lý được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận theo hướng có lợi cho người được trợ giúp pháp lý như: Được tăng mức bồi thường thiệt hại hay được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh, thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của viện kiểm sát nhân dân, thậm chí được tuyên vô tội…
Đáng chú ý, năm 2022 là năm đầu tiên nội dung trợ giúp pháp lý được triển khai đồng bộ trong tất cả các chương trình mục tiêu quốc gia về: Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, các địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện cụ thể, khả thi, phù hợp, không chồng chéo về đối tượng và nội dung hỗ trợ trên cùng địa bàn. Tại không ít tỉnh, thành phố, nhiều trợ giúp viên pháp lý thực hiện 70-90 vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng trong một năm. Một số đoàn luật sư như Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh ngoài việc tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân ngay tại địa phương còn phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố đưa các nhóm luật sư đi trợ giúp pháp lý miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Mặc dù vậy, luật sư Nguyễn Thị Luyên, Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội cho biết, quá trình triển khai thực hiện còn một số điểm hạn chế, bất cập như chi phí thù lao cho án chỉ định còn thấp và khó khăn trong việc thanh toán.
Nhìn rộng hơn, số vụ việc trợ giúp pháp lý cho người nghèo, nhóm yếu thế vẫn còn hạn chế so với nhu cầu; đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý chưa nhiều, đặc biệt là tại các tỉnh miền núi…
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi, năm 2023, Bộ Tư pháp sẽ yêu cầu Cục Trợ giúp pháp lý xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm chung của hệ thống trợ giúp pháp lý trên toàn quốc để các trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước xây dựng kế hoạch công tác năm, trong đó tập trung vào công tác hoàn thiện thể chế, bám sát vào các bất cập tồn tại hiện nay. Từ đó, tăng nguồn lực, chất lượng thực hiện trợ giúp pháp lý.
Ở góc nhìn khác, luật sư Mai Bích Ngân, Giám đốc Công ty Luật TNHH Anh Trí Việt cho rằng, công cuộc chuyển đổi số đòi hỏi công tác trợ giúp pháp lý và tuyên truyền giáo dục pháp luật cũng cần có những cải tiến mang tính chất đột phá, tiến kịp với tiến trình phát triển tất yếu của xã hội. Một số giải pháp mang lại kết quả khả quan là truyền thông về trợ giúp pháp lý không ngừng đổi mới theo các phương thức khác nhau, gồm: Truyền thông truyền thống (trực tiếp về cơ sở, thông qua báo đài, tờ gấp), truyền thông hiện đại (internet, điện thoại, hotline) và hình thức đặc thù (hộp, bảng tin, tờ tin trợ giúp pháp lý tại cơ quan tố tụng, chính quyền cơ sở); ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện trợ giúp pháp lý thông qua hệ thống quản lý trợ giúp pháp lý; thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người được trợ giúp pháp lý…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.