(HNM) - Trước việc liên tiếp xảy ra các vụ việc
Từ đầu năm đến nay, ngành nhiếp ảnh "sôi" lên không ít lần bởi những vụ việc liên quan đến vi phạm bản quyền, tranh chấp kiện tụng về ảnh; đạo ảnh, đạo ý tưởng mà xét ra lý lẽ các bên khá ngờ nghệch. Ví dụ như trường hợp vi phạm tác quyền trong bức ảnh được HCV Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung bộ 2013 (tổ chức hồi tháng 5, tại Huế) có tên "Lễ hội khất thực Huyền Không". Ảnh đề tên tác giả Đỗ Văn Tri (Hội viên Hội NSNA Thừa Thiên Huế) nhưng ông Nguyễn Xuân Hữu Tâm đã gửi đơn lên Hội NSNA Thừa Thiên Huế nói rằng ông mới là tác giả. Ông Tâm cũng chứng minh rằng mình đã bấm máy bức ảnh ấy từ máy ảnh của ông Nguyễn Hữu Tài, nhưng sau đó ông Tài lại cho ông Tri bức ảnh trên. Sau khi xác minh làm rõ, ông Tri đã bị tước bỏ HCV. Tuy nhiên, sự việc chưa dừng lại. Người ta còn phát hiện ông Tri còn có tác phẩm dự liên hoan này giống bức ảnh của tác giả khác từng đăng báo trước đó một năm. Có trường hợp, ảnh chụp ở một địa phương nhưng đem dự thi ở địa phương khác và chú thích là chụp tại địa phương dự thi, như 3 tác phẩm mà NSNA Dương Thanh Xuân phát hiện ra hồi đầu năm. Có hình thức vi phạm bản quyền nghiêm trọng hơn như việc thực hiện sách ảnh mà không xin ý kiến tác giả ảnh đưa vào sách (trường hợp ông Ngô Sỹ Ngọ - Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Thành Sen, Hà Tĩnh thực hiện sách "Hà Tĩnh quê hương tôi")... Những vi phạm này đã cảnh báo về vấn đề tư cách đạo đức hơn là chuyên môn. Ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam nhận định, việc các tác giả có những vi phạm như vậy một phần do thiếu hiểu biết, một phần do coi thường, xem nhẹ các quy định. Những bức xúc và tình trạng vi phạm ngày một nhiều cộng với hình thức vi phạm thường mang nhiều cảm tính: Cho ảnh, nhờ bấm máy, dùng ảnh không xin phép tác giả... Hội cũng rất khó để đứng ra giải quyết. Thực tế, gần 1.000 hội viên của Hội NSNA Việt Nam đều do các Hội địa phương quản lý và xác nhận, đánh giá tư cách đạo đức. Hội trung ương chỉ xét, bảo đảm về nghiệp vụ. Mà các NSNA thường hoạt động tự do nên cũng khó kiểm soát. Vì vậy, không phải thời điểm này mà vài năm trước, Hội NSNA Việt Nam đã xem xét đưa ra Quy tắc đạo đức nghề nghiệp cho hội viên; Ban Chấp hành Hội thông qua ngày 25-11-2012 và nay ban hành thực hiện sau khi xem xét kỹ lưỡng và chặt chẽ hơn.
Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của hội viên Hội NSNA Việt Nam gồm có 5 chương, 18 điều. Trong đó có những phần được nhấn mạnh về quy định chuẩn mực đạo đức của hội viên: Trung thực, khách quan, nghiêm cấm mọi hành vi gian lận, đạo ảnh, vi phạm bản quyền nhiếp ảnh; không lợi dụng nghề nghiệp, danh nghĩa hội viên để trục lợi, xâm phạm lợi ích của cá nhân, tổ chức, xã hội; không vi phạm pháp luật; trau dồi chuyên môn, đạo đức... Trong nội bộ Hội, các hội viên cũng phải tuân thủ chuẩn mực ứng xử: Có trách nhiệm thực hiện quyền và nghĩa vụ của Hội; bảo vệ uy tín của Hội; không phát ngôn, đơn thư nặc danh vu cáo, bôi nhọ hội viên; chịu trách nhiệm với thông tin góp ý với lãnh đạo và đơn vị... Đặc biệt, quy tắc này có những chế tài xử phạt nhất định với hội viên. Nếu vi phạm lần đầu thì khiển trách, cảnh cáo, nhưng nếu tái diễn thì có thể bị gạch tên, khai trừ khỏi Hội. Hội không xử phạt hành chính mà chỉ tước bỏ danh hiệu, giải thưởng (nếu đã trao).
Ông Vũ Quốc Khánh cũng đánh giá: "Những quy tắc đạo đức này có tính giáo dục nhiều hơn răn đe. Chúng trang bị kiến thức pháp luật cho hội viên, nâng cao ý thức trách nhiệm, từ đó nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động nhiếp ảnh nước nhà".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.