Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao y đức - cách nào?

Trung Hưng| 29/03/2013 05:46

(HNM) - Hai ngày trước, 27-3, lần đầu tiên Bộ Y tế tổ chức lớp tập huấn kỹ năng giao tiếp, thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ trong các đơn vị y tế khu vực phía Bắc. Thông tin này, một lần nữa, lại thu hút sự chú ý của dư luận.

Ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, các thầy thuốc tương lai (gọi chung cho cả cán bộ, bác sĩ, y tá...) hẳn phải thuộc nằm lòng Lời thề Hippocrates trước khi chính thức hành nghề. Sinh thời, Bác Hồ từng căn dặn "Thầy thuốc phải như mẹ hiền" và nhấn mạnh yêu cầu cán bộ y tế phải thương yêu người bệnh, tận tâm, tận lực phục vụ người bệnh như một nghĩa vụ, một trách nhiệm. Ngành y tế cũng đã có nhiều tấm gương sáng về y đức như các bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng...

Trở lại "lớp tập huấn" của ngành y tế, chuyển tới các cán bộ, thầy thuốc, những người đã có ít hoặc nhiều năm công tác, thông điệp rằng: Cần quay lại với những bài học đầu tiên trước khi hành nghề. Mục đích tổ chức lớp tập huấn này cũng không phải vấn đề gì mới mẻ. Trên thực tế, ngành y tế đã có nhiều quy định về nội dung này. "Quy định về y đức", Bộ Y tế ban hành năm 1996 có những "hướng dẫn" rất cụ thể như: Không được phân biệt đối xử người bệnh; Không được có thái độ ban ơn, lạm dụng nghề nghiệp và gây phiền hà cho người bệnh; Khi tiếp xúc với người bệnh và gia đình họ, luôn có thái độ niềm nở, tận tình; trang phục phải chỉnh tề, sạch sẽ... Năm 2008, Bộ Y tế lại ban hành "Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế". "Hướng dẫn" ứng xử cũng rất cụ thể: Tìm hiểu, nắm bắt diễn biến tâm lý người bệnh và gia đình người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh; Thương yêu người bệnh, coi người bệnh như người nhà của mình; Lịch sự, hòa nhã, động viên, an ủi, tôn trọng người bệnh và gia đình người bệnh... Cán bộ, viên chức y tế bị cấm có hành vi tiêu cực và những biểu hiện ban ơn, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, trì hoãn, thờ ơ, gây khó khăn cho người bệnh, gia đình người bệnh... Những vấn đề này cũng được đề cập trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh, đã được Quốc hội thông qua.

"Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở, chăm sóc tận tình, bệnh nhân về, dặn dò chu đáo" là khẩu hiệu mà lẽ ra các đơn vị y tế đương nhiên phải thực hiện. Tuy nhiên, văn hóa ứng xử yếu kém, đỉnh điểm là tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, thậm chí thiếu trách nhiệm với sức khỏe, tính mạng bệnh nhân đã và đang diễn ra và ngày một trầm trọng thêm. Trong cách nhìn của rất nhiều người dân, hình ảnh ngành y và cán bộ y tế nói chung không mấy thiện cảm và việc phải đến bệnh viện, gặp thầy thuốc như ác mộng. Ứng xử yếu kém, tiêu cực của cán bộ y tế cũng chủ yếu diễn ra trong các cơ sở công lập. Lý do, như đã được đề cập rất nhiều lần, là thu nhập của cán bộ, thầy thuốc quá thấp và các bệnh viện, đặc biệt là ở đơn vị thuộc tuyến trung ương thường xuyên lâm vào tình trạng quá tải...

Từ khi chủ trương xã hội hóa công tác y tế được triển khai, nhiều cơ sở y tế tư nhân được thành lập. Chưa bàn đến khía cạnh chuyên môn, riêng "chất lượng" ứng xử của thầy thuốc ở các đơn vị khối này "tốt hơn hẳn". Cũng phải nói thêm là không phải thầy thuốc nào cũng muốn gây phiền hà, nhũng nhiễu với người bệnh, thậm chí họ xem đó như nỗi xấu hổ. Bằng chứng là mới đây, tại một bệnh viện tư nhân thuộc loại VIP được thành lập ở Hà Nội, đã thu nạp được không ít bác sĩ, y tá… có tài từ đơn vị (công lập) cũ đầy danh tiếng về làm việc. Lý do không chỉ là môi trường chuyên nghiệp - coi bệnh nhân như khách hàng - mà còn bởi thu nhập được bảo đảm, họ đỡ phải "vương vấn" chuyện làm sao có cái phong bì...

Quyết tâm của ngành y tế trong việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp đội ngũ thầy thuốc đã rõ nhưng chắc cũng không thể trông mong gì nhiều vào sự thay đổi tích cực khi mà những vấn đề cơ bản nhất chưa được giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao y đức - cách nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.