(HNM) - Phát huy vai trò của người dân trong chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu... là giải pháp quan trọng để giảm rủi ro, tổn thất, phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn người dân thiếu kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với một số loại hình thiên tai...
Qua phỏng vấn nhanh về việc ứng phó với thời tiết cực đoan như cách phòng, tránh rét đậm, rét hại, lốc, sét, mưa đá... một số người dân thuộc các huyện: Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Phúc Thọ... không thể trả lời chính xác. Điều này cho thấy còn “khoảng trống” trong công tác phòng, chống thiên tai.
Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn thừa nhận, một số người dân trên địa bàn huyện còn thiếu kiến thức và kỹ năng phòng ngừa, ứng phó loại hình thời tiết nguy hiểm... Tương tự, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho hay, không chỉ người dân mà ngay cả một số cán bộ cấp xã cũng chưa nhận dạng đầy đủ mối nguy hiểm của bão, lũ, dông, lốc, sét... Biểu hiện cụ thể của việc này là một số địa phương xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai chưa chi tiết, sát diễn biến thực tế.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội Trần Thanh Mẫn, những hạn chế nêu trên đang là thực trạng chung tại nhiều địa phương. Nguyên nhân chủ yếu là một số địa phương chưa chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai. Bên cạnh đó, một số cán bộ làm nhiệm vụ tham mưu phòng, chống thiên tai ở cấp huyện và xã chưa được đào tạo chuyên sâu, trong khi đảm nhiệm nhiều vị trí công việc...
Để giảm tổn thất do thiên tai gây ra, thành phố Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp phải thường xuyên xuống cơ sở để kịp thời phát hiện, chỉ đạo bổ sung, khắc phục những mặt còn khiếm khuyết, chưa sát thực tế.
Thực hiện chỉ đạo trên, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã rà soát, bổ sung phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai gắn với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, các địa phương nằm trong vùng thường xuyên xảy ra úng ngập, lũ lụt, sạt lở đất, như: Sóc Sơn, Ba Vì, Phúc Thọ, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa... đã lập kế hoạch phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố tổ chức các lớp tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng tránh thiên tai cho người dân; diễn tập ứng phó, khắc phục hậu quả một số loại hình thiên tai thường xảy ra trên địa bàn... Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên thời gian vừa qua các đơn vị, địa phương tạm dừng tổ chức các cuộc diễn tập, hội nghị trực tiếp, linh hoạt chuyển hình thức tuyên truyền phù hợp...
“Đài Truyền thanh huyện thường xuyên phát các bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai; trong đó có thông tin hướng dẫn người dân kỹ năng phòng tránh một số loại hình thiên tai thường xảy ra trên địa bàn, như: Bão, lũ, úng ngập, rét đậm, rét hại...”, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao huyện Ba Vì Bùi Trần Hà cho biết.
Tương tự, các huyện: Phúc Thọ, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa... còn xây dựng nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên cổng thông tin điện tử, trang mạng xã hội, như: Zalo, Facebook... Một số địa phương còn ký chương trình phối hợp với cơ quan quản lý đê cung cấp tài liệu hướng dẫn người dân kỹ năng phát hiện sự cố, hộ đê, thực hiện những việc nên làm và không nên làm trước, trong và sau mỗi loại thiên tai.
Với những giải pháp linh hoạt, cơ quan phòng, chống thiên tai Hà Nội không chỉ trang bị cho người dân kỹ năng “tự cứu mình” mà còn khơi gợi ý thức, trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng trước thiên tai, biến đổi khí hậu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.