(HNM) - Năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể: Năm 2019 tăng 10 bậc so với năm 2018. Tuy vậy, những kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng nhanh, bền vững cũng như hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất. Chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là yêu cầu thường xuyên, liên tục, để đánh giá “sức khỏe” của nền kinh tế. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về nội dung này.
Cần bứt phá mạnh mẽ để rút ngắn khoảng cách với các nước Đông Nam Á
- Năm 2019, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam có sự tăng bậc mạnh so với năm 2018. Ông có thể cho biết rõ hơn về sự cải thiện này?
- Diễn đàn Kinh tế thế giới đã sử dụng Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu như một công cụ để đo lường, đánh giá, xếp hạng các nền kinh tế. Thời gian qua, điểm số và vị trí của Việt Nam trong Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới có sự tăng tiến đáng kể. Đơn cử, năm 2018 Việt Nam đứng ở vị trí 77 đến năm 2019 vươn lên vị trí 67. Mức tăng 10 bậc là nhanh nhất và cũng là duy nhất trên thế giới. Kết quả này đã phần nào phản ánh nỗ lực liên tục trong những năm gần đây của Chính phủ về cải cách môi trường kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để thích ứng và nhảy vọt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập sâu rộng hơn.
Năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam có sự tăng bậc mạnh so với năm 2018, bởi sự cải thiện trong các trụ cột. Cụ thể, Việt Nam có 8/12 trụ cột tăng hạng, gồm: Thể chế, ứng dụng công nghệ thông tin, thị trường hàng hóa, mức độ năng động trong kinh doanh, thị trường lao động, năng lực đổi mới sáng tạo, kỹ năng, quy mô thị trường. Đặc biệt, trụ cột ứng dụng công nghệ thông tin đã tăng tới 54 bậc (từ vị trí 95 lên 41); trụ cột thị trường hàng hóa tăng 23 bậc (từ 102 lên 79); trụ cột mức độ năng động trong kinh doanh tăng 12 bậc (từ 101 lên 89)... Riêng trụ cột ổn định kinh tế vĩ mô lại không thay đổi về thứ hạng bên cạnh ba trụ cột tụt hạng, gồm: Trụ cột hệ thống tài chính, cơ sở hạ tầng và y tế.
- Theo ông, chúng ta đã có thể an tâm với kết quả cải cách cũng như thực trạng năng lực cạnh tranh quốc gia chưa?
- Cần thẳng thắn thừa nhận rằng, dù đã đạt những kết quả đáng khích lệ nhưng chưa thể an tâm với những gì đạt được. Tính chung, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam mới đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á và đòi hỏi có sự nỗ lực liên tục, bứt phá mạnh mẽ để rút ngắn khoảng cách.
Việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cần được đặt ra theo những yêu cầu, chỉ tiêu cụ thể và vì doanh nghiệp. Đơn cử, nếu doanh nghiệp mất nhiều thời gian để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế tức là họ chỉ còn ít thời gian để làm những việc hữu ích khác như tiếp thị, tìm giải pháp công nghệ mới cho sản xuất. Tương tự, nếu doanh nghiệp phải chờ nhiều ngày chỉ để có thể hoàn thành việc xuất hoặc nhập khẩu mặt hàng nào đó trong khi khách hàng của họ lại có nhu cầu được nhận hàng trong thời gian sớm hơn. Điều này có thể làm mất uy tín của doanh nghiệp, mất cơ hội kinh doanh trong khi doanh nghiệp không hề có lỗi. Các cơ quan quản lý cần tự giác nhận thức về thực tế đó, tìm cách thay đổi với tinh thần cầu thị, vì sự tiến bộ của môi trường kinh doanh, cũng là thiết thực nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cải thiện tốc độ và sức bền trong "cuộc đua đường dài"
- Ông có thể cho biết mục tiêu và các giải pháp cụ thể Chính phủ đã đề ra để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong năm 2020 như thế nào?
- Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1-1-2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Trong đó, năm 2020 phấn đấu môi trường kinh doanh theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới lên 10 bậc; năng lực cạnh tranh theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới lên 5 bậc; đổi mới sáng tạo theo xếp hạng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới lên 3-4 bậc; chỉ số chính phủ điện tử của Liên hợp quốc lên 10-15 bậc.
Nghị quyết cũng chỉ rõ 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 gồm: Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đề ra; các bộ được phân công làm đầu mối theo dõi các bộ chỉ số và các bộ, cơ quan được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần; tiếp tục cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh; cải cách thực chất các các quy định về điều kiện kinh doanh; tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế “một cửa” quốc gia, Cơ chế “một cửa” ASEAN; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
- Xét về bản chất thì năng lực cạnh tranh quốc gia luôn nhắm đến mục tiêu cuối cùng là cải thiện, nâng cao năng suất lao động; từ đó nâng tầm sức mạnh kinh tế của đất nước. Vậy theo ông cần làm gì để từng bước khắc phục tồn tại, đưa Việt Nam lên thứ hạng cao hơn?
- Nền kinh tế phát triển đến đâu, đời sống người dân đạt mức nào chủ yếu phụ thuộc vào năng suất lao động. Đáng mừng là Chính phủ luôn rất quan tâm, tìm cách hiện thực hóa mục tiêu nâng cao năng suất lao động với tinh thần quyết tâm và đồng bộ; thông qua nhiều hoạt động. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg (ngày 4-2-2020) về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia. Đây là hành động rất kịp thời, nhắm vào vấn đề quan trọng hàng đầu của nền kinh tế, xác lập mục tiêu tăng năng suất lao động. Trong đó nêu rõ, năng suất lao động nước ta chưa tương xứng với kỳ vọng; mức năng suất lao động theo sức mua tương đương của Việt Nam còn khiêm tốn so với một số nước trong khu vực Đông Nam Á.
Trong chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố thực hiện đồng bộ, hiệu quả các định hướng về cải cách để thúc đẩy tăng năng suất lao động; chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ; nâng cao tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo...
Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, trong khi chúng ta tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động thì tất cả các nước khác cũng trong quá trình cải cách, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh. Như vậy, cuộc đua là công bằng và khốc liệt; chỉ có nước nào “chạy” đúng hướng, với những giải pháp phù hợp với xu thế thời đại cũng như xuất phát từ đặc điểm, hoàn cảnh riêng của mình thì mới có thể tìm được vị trí xứng đáng. Khi tham gia “cuộc đua đường dài”, phải cải thiện được cả hai yếu tố là tốc độ và sức bền.
- Tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) gây ra thời điểm hiện nay đối với nền kinh tế là gì? Chúng ta cần làm gì để hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh đến năng lực cạnh tranh quốc gia, thưa ông?
- Dịch bệnh do Covid-19 chắc chắn tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đối với nhiều ngành và lĩnh vực. Dịch bệnh kéo giảm tốc độ tăng trưởng GDP năm nay và nội dung này đã được Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố đầy đủ. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng, dịch bệnh diễn ra trên diện rộng, nên tất cả các quốc gia đều bị ảnh hưởng, tuy ở mức độ khác nhau. Tóm lại, không nên quá lo ngại là dịch bệnh sẽ gây ảnh hưởng xấu đối với năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam. Chúng ta nên coi đây là cơ hội để một lần nữa cơ cấu lại thị trường, cơ cấu sản xuất, cũng là tận dụng tốt ưu đãi từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia.
Bối cảnh hiện nay cũng là cơ hội để chúng ta có thể tận dụng thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận lại thực tế, xem liệu chúng ta có những gì để hấp dẫn nhà đầu tư? Muốn tăng lương thì phải tăng năng suất lao động. Nếu chỉ tăng lương mà không tăng năng suất lao động, không bán được hàng hóa thì doanh nghiệp sẽ dần đi đến phá sản.
Chính phủ đã có chương trình hành động để hỗ trợ doanh nghiệp. Quan trọng là thực hiện chương trình hành động đã đề ra, cắt giảm chi phí, thực hiện chính phủ điện tử để giảm bớt thủ tục. Các cơ quan chức năng cũng cần năng động hơn nữa, phải hợp tác, sát cánh cùng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải năng động hơn. Chính quyền các địa phương một mặt tập trung ngăn chặn bệnh dịch nhưng mặt khác phải làm sao thúc đẩy sản xuất. Đây là cơ hội đẩy mạnh cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh. Càng khó khăn càng phải nỗ lực, quyết tâm.
Mặt khác, không phải đến khi xuất hiện dịch bệnh chúng ta mới đề cập đến việc tái cơ cấu kinh tế mà quá trình này vẫn diễn ra thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, để đối phó với dịch bệnh, việc tái cơ cấu cần lồng ghép với công tác phòng, chống dịch bệnh, phát triển sản xuất kinh doanh sau dịch...
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.