Kinh tế

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Theo TTXVN 11/10/2023 - 19:56

Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), chiều 11-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt doanh nhân tiêu biểu để biểu dương, vinh danh và lắng nghe, trao đổi nhằm phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam vững mạnh, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, người dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.

nhan-11102a3.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các Phó Thủ tướng đến dự buổi gặp mặt.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa điểm cầu Trụ sở Chính phủ với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; đặc biệt, có hơn 2.200 hiệp hội doanh nghiệp và doanh nhân tiêu biểu trong cả nước.

* Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp quan trọng phát triển đất nước

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự ủng hộ của Quốc hội; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các bộ, ngành, địa phương đã quán triệt, triển khai nghiêm túc các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thích ứng bối cảnh mới; tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách và những tồn tại yếu kém, điểm nghẽn đang cản trở hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh, từ đó, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp phục hồi, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Tính đến ngày 30-9-2023, toàn quốc có 881.229 doanh nghiệp đang kinh doanh, tăng 26.871 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, có 115.935 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 3.602 doanh nghiệp so với cùng kỳ.

Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 của khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh đạt trên 11,8 triệu tỷ đồng, tăng 16,17% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 9 tháng của năm, các khoản nộp ngân sách qua thuế giá trị gia tăng đạt hơn 97 nghìn tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp đạt gần 248 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 6% và 17% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt tổng doanh thu gần 690 nghìn tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch. Ước cả năm 2023, tổng doanh thu của toàn khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 4%; tổng lãi phát sinh trước thuế tăng 9% so với kế hoạch.

Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công thay mặt cộng đồng doanh nghiệp gửi tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số tâm tư, nguyện vọng liên quan tiếp cận tín dụng, chính sách miễn, giảm, giãn nộp tiền thuê đất, các loại phí, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp; đẩy mạnh cải thiện hạ tầng logistics cũng như thủ tục hành chính để giảm chi phí vận chuyển, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam; cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp…

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nhân cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các chính sách, giải pháp linh hoạt, hiệu quả, thích ứng với tình hình mới; chỉ đạo các thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương, thành lập 12 Tổ công tác đặc biệt, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương, cán bộ, công chức nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Với vai trò kiến tạo, Chính phủ đã đồng hành với doanh nghiệp, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tăng cường triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, thích ứng và phát triển; quyết liệt tháo gỡ khó khăn, khôi phục thị trường cho doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; khơi thông nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, chia sẻ gánh nặng chi phí với doanh nghiệp…

thao-1.jpg
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietjet Air phát biểu.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hãng hàng không Vietjet bày tỏ sự phấn chấn, vinh dự của cộng đồng doanh nhân đón nhận Nghị quyết 41/NQ-TƯ vừa ban hành ngày 10-10-2023 của Bộ Chính trị về phát huy vai trò của doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Bà cũng bày tỏ quyết tâm cùng cộng đồng doanh nhân thực hiện tốt các chủ trương, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần vào xây dựng một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT gửi lời chân thành cảm ơn, Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan Trung ương và địa phương đã giúp có cuộc sống hòa bình trong gần 50 năm qua. Các cơ quan Nhà nước đã ký 16 hiệp ước tự do thương mại thế hệ mới và sắp ký 3 hiệp ước nữa. Đó là cơ hội cho doanh nghiệp làm ăn với các nước, có môi trường tự do sáng tạo phát huy năng lực của mình; đề nghị Chính phủ đã tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn, chắp cánh cho doanh nghiệp cùng đưa Việt Nam vào vị thế quốc gia hùng cường và hạnh phúc.

Bà Phạm Thị Nhung, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, VPBank đã dành một gói vay trị giá 13.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 5%/năm để hỗ trợ khách hàng cá nhân và hộ kinh doanh; sẵn sàng nguồn lực để tham gia tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và tiếp quản 1 ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc theo yêu cầu.

thu-tuong.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện doanh nhân Việt Nam nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10).

* Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển

Sau khi lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu, giải đáp các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, mở đầu bài phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chuyển lời thăm hỏi, tri ân và lời chúc mừng tốt đẹp nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10; cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết 41/NQ-TƯ ngày 10-10-2023 về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, với tinh thần ủng hộ, giúp đỡ và làm điểm tựa cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất đến các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân; ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương các doanh nghiệp, doanh nhân nêu cao tinh thần tiên phong, đổi mới sáng tạo, tìm tòi hướng đi để nâng cao vị thế sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế, qua đó nâng cao năng lực tự chủ của nền kinh tế; chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp về những khó khăn trong giai đoạn vừa qua; mong muốn đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục lớn mạnh và trưởng thành để đóng góp tốt vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Từ ngay sau khi thành lập nước và suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta đều xác định, đánh giá cao vị trí, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong xây dựng, phát triển đất nước.

Lớn lên cùng đất nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện; là lực lượng chủ lực, tiên phong tạo ra nhiều việc làm, sinh kế cho người lao động, qua đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, khu vực doanh nghiệp đóng góp hơn 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc.

Nhờ quan điểm, đường lối đúng đắn trong đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và có sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân, đến nay “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định.

thu-tuong-1.jpg

Trong đó, sau hơn 36 năm đổi mới, đến năm 2022, quy mô GDP Việt Nam đạt khoảng 409 tỷ USD, tăng khoảng 51 lần. Đặc biệt, giai đoạn 1986-2022, Việt Nam lọt top 5 nước có quy mô kinh tế tăng nhiều nhất thế giới. Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư của ASEAN và thứ 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong top 20 của thế giới, là một trong những nền kinh tế được đánh giá năng động và có độ mở cao nhất thế giới.

Cho rằng, thời gian tới, kinh tế thế giới và tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức mới với sáu "cơn gió ngược" đang cản trở sự tăng trưởng của kinh tế thế giới và Việt Nam; để xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, hùng cường và thịnh vượng, trong đó, xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân không ngừng phát triển cả về lượng và chất, có trách nhiệm với xã hội, người lao động và bảo vệ môi trường, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Trong đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp; tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định được các cân đối lớn của nền kinh tế; giữ vững an ninh, trật tự xã hội để cộng đồng yên tâm sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường; tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng, bình đẳng và minh bạch; bãi bỏ các rào cản, quy định về điều kiện kinh doanh không cần thiết, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nền kinh tế số, Chính phủ số hiện đại, thân thiện với người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất, kinh doanh; tiếp tục tạo thuận lợi, tăng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp; hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng; tạo dựng và củng cố niềm tin, tâm lý, cảm hứng kinh doanh; với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực"; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại thị trường, an toàn, lành mạnh, minh bạch.

* Nắm bắt cơ hội, góp phần vào xây dựng một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các vướng mắc khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp; có kế hoạch xử lý kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các vướng mắc đã tồn tại từ lâu gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, đặc biệt thúc đẩy đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân vừa và lớn để tạo động lực dẫn dắt, lan tỏa, tạo cơ hội để kích hoạt đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; đẩy mạnh triển khai có hiệu quả, thực chất Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thủ tướng yêu cầu, thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường kết nối cung - cầu lao động, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, khơi dậy nội lực, khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, tăng cường triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi và đổi mới mô hình kinh doanh dựa trên xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, các mô hình kinh doanh bao trùm, tuần hoàn…

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đề nghị cộng đồng doanh nghiệp không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn tầm khu vực và quốc tế; phát huy hơn nữa tính chủ động, năng động, sáng tạo để không những phát triển doanh nghiệp do mình làm chủ mà còn tăng cường liên kết hợp tác với nhau để tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng tầm vị thế của doanh nghiệp Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị chú trọng công tác phát triển Đảng tại các doanh nghiệp; nâng cao năng lực, phẩm chất, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp, cũng như phát triển văn hóa doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ tài, đủ tâm, đủ tầm.

Các doanh nghiệp chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng và nâng cao thương hiệu; đẩy mạnh tìm hiểu, mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; hoạt động đúng pháp luật, bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người lao động, tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thủ tướng Chính phủ mong muốn các Hiệp hội doanh nghiệp phát huy thật hiệu quả vai trò hỗ trợ doanh nghiệp và làm tốt công tác tư vấn, phản biện hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp; là cầu nối, tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp nhằm xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, hùng mạnh vì một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

Với phương châm “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể”, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cam kết luôn sát cánh, chia sẻ, động viên, tiếp thu tối đa các ý kiến của các tổ chức hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hùng mạnh và đoàn kết; tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ khó khăn và ủng hộ Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong các chỉ đạo điều hành để cùng nắm bắt cơ hội mới, vận hội mới, nâng cao năng lực nội sinh, góp phần vào xây dựng một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn là điểm tựa và tin tưởng vào sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.