Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động ngành Công Thương

Hà Phong| 20/05/2023 11:20

(HNMO) - Sáng 20-5, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội tổ chức đối thoại, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Nâng cao kiến thức pháp luật và hoạt động Công đoàn”, với sự tham dự của liên đoàn lao động (LĐLĐ) các quận, huyện, công đoàn ngành, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ, công nhân, viên chức, lao động ngành Công Thương Hà Nội.

Các chuyên gia giải đáp thắc mắc của người lao động.

Trong chương trình, đoàn viên công đoàn và người lao động có cơ hội tìm hiểu, nắm bắt những kiến thức về pháp luật lao động để từ đó nghiêm túc chấp hành, tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình trong quan hệ lao động. 

Trước xu hướng nhiều công ty sử dụng lao động thời vụ, lao động thuê lại, ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ thành phố Hà Nội khẳng định, hiện chỉ có một vài ngành nghề cụ thể được phép cho thuê lại lao động. Tất cả quyền lợi về chính sách, chế độ, đơn vị phụ trách cho thuê phải chịu trách nhiệm.

Bởi theo quy định của Bộ luật Lao động, hiện có 2 loại hợp đồng lao động là hợp đồng không xác định thời hạn (trên 36 tháng) và hợp đồng xác định thời hạn (36 tháng). Người lao động khi thực hiện giao kết 2 loại hợp đồng này đều được đảm bảo tất cả quyền lợi như nhau về chế độ, chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội đã được quy định cụ thể trong hợp đồng, do người lao động và chủ sử dụng lao động thương lượng với nhau. Tuy nhiên, hợp đồng không xác định thời hạn có ràng buộc quan hệ trong lao động trước pháp luật cao hơn, người lao động cảm thấy yên tâm hơn.

Liên quan đến trường hợp công chức, viên chức muốn được nâng lương trước thời hạn khi đã có thông báo nghỉ hưu, bà Vũ Minh Huyền - Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, phải đảm bảo tiêu chí, kể từ ngày có thông báo nghỉ hưu đến trước ngày nghỉ hưu còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng bậc lương thường xuyên theo quy định thì được nâng một bậc lương trước thời hạn 12 tháng so với thời gian quy định.

Bên cạnh đó, trong năm nhận quyết định nghỉ hưu, người lao động cũng phải đáp ứng yêu cầu: Đối với cán bộ, công chức, được cấp có thẩm quyền đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên; không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức. Đối với viên chức và người lao động, phải được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên; không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức. 

Về trợ cấp cho con em người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, ông Tạ Văn Dưỡng cho hay, theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định, con công nhân đang làm trong khu công nghiệp - chế xuất khi gửi con tại các khu công nghiệp - chế xuất sẽ được hưởng chế độ hỗ trợ là 160 nghìn đồng/tháng. Tuy nhiên, tại Hà Nội hiện đã có quy định mức hỗ trợ mà công nhân lao động được hưởng cao hơn là 240.000 đồng/tháng, không quá 9 tháng/năm. Không chỉ con của công nhân lao động mà thậm chí, cô giáo dạy con của công nhân lao động làm việc tại khu công nghiệp - chế xuất cũng được hưởng trợ cấp.

Cũng qua chương trình, các chuyên gia pháp luật đã giải đáp nhiều câu hỏi về chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của tổ chức Công đoàn, từ đó giúp người lao động thêm tin tưởng, gắn bó và ủng hộ các hoạt động của tổ chức Công đoàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động ngành Công Thương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.