(HNMO) - Ngày 15-6, tại Hà Nội, Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học - thực tiễn “Báo chí với di sản văn hóa”.
Phương tiện truyền thông chủ lực cho di sản văn hóa
Di sản văn hóa là nguồn tài nguyên quý giá, nguồn lực quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nói riêng. Với kho tàng di sản văn hóa đa dạng, phong phú, được hình thành, vun đắp và phát triển suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam luôn coi trọng, đề cao trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, trong đó có vai trò của báo chí nước nhà.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ khẳng định: Trong những năm qua, báo chí Việt Nam luôn luôn đồng hành cùng sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Báo chí đã và đang trở thành phương tiện truyền thông chủ lực đóng góp tích cực, hiệu quả vào việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực di sản văn hóa; quảng bá tinh hoa văn hóa dân tộc tới nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế...
“Nhiều vụ việc di sản bị xâm hại, như công trình Panorama tại đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) năm 2018; công trình du lịch mọc lên ngay vùng lõi Khu Di sản văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An (Ninh Bình); pho tượng Bà Chúa Xứ thi công “chui” trên núi Sam (An Giang); Di tích cấp quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) bị khai thác đá mỹ nghệ… đã được phản ánh trên báo chí, giúp cơ quan quản lý xử lý kịp thời các vi phạm”, ông Đỗ Văn Trụ nêu.
Nói về vai trò của báo chí đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Nguyên Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Hữu Lượng nhấn mạnh: “Không một vi phạm di tích nào không bị báo chí lên tiếng phản ánh, phê phán. Thông qua việc đưa ý kiến của các chuyên gia, người dân, báo chí vừa góp phần bảo vệ di sản, vừa hiến kế để trùng tu, tái tạo, giữ gìn giá trị cho mai sau. Với nội dung phát huy giá trị di sản, báo chí trong nước cũng rất tích cực với việc quảng bá, giới thiệu giá trị di sản văn hóa Việt Nam đến nhân dân các nước, qua đó giúp người dân thêm hiểu, thêm yêu và mong muốn khám phá các giá trị di sản độc đáo này; trong đó, rất nhiều bạn bè quốc tế đã tìm đến Việt Nam thông qua việc quảng bá giới thiệu di sản văn hóa của báo chí”.
Bên cạnh những mặt mạnh, hoạt động báo chí và công tác truyền thông về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam cũng còn bất cập, hạn chế, được nhiều đại biểu tại hội thảo chỉ ra: Dung lượng và thời lượng dành cho di sản văn hóa ở không ít cơ quan báo chí còn khiêm tốn; không ít tờ báo chưa thực sự quan tâm hoặc mạnh tay trong việc bảo vệ di sản của dân tộc; một số tờ báo bộc lộ khuynh hướng thương mại hóa, theo thị hiếu, câu khách làm mờ đi bản sắc văn hóa dân tộc…; nhận thức, kiến thức của một số ít nhà báo về lĩnh vực này còn hạn chế, phiến diện nên việc biểu dương hay phê phán còn hời hợt, công thức, ít hiệu quả, tính chiến đấu chưa cao.
Khai thác thế mạnh truyền thông
Xác định vấn đề “Báo chí với Di sản văn hóa” không thể là một chiều từ phía báo chí, mà còn cần phải nói đến sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau vì sự nghiệp chung là bảo vệ di sản. Với mục tiêu này, các đại biểu tại hội thảo đã tập trung thảo luận những thuận lợi, khó khăn; đồng thời, đề xuất sáng kiến, giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa chất lượng, hiệu quả của báo chí trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến kiến nghị: Với đặc trưng sức mạnh truyền thông của báo chí trong thời đại 4.0, người làm công tác bảo tồn di sản phải xác định truyền thông qua báo chí là một trong những nhiệm vụ cần được đưa vào kế hoạch công tác hằng năm, hằng quý, hằng tháng của mình; gần gũi, cởi mở, tạo điều kiện cho lực lượng báo chí tiếp cận nhanh, chính xác, phản ánh hiệu quả nguồn thông tin.
“Cùng với đó, cần có kế hoạch sử dụng mạng xã hội như một kênh truyền thống quảng bá các hoạt động về di sản văn hóa. Với các cơ quan báo chí, cần phản ánh, bình luận kịp thời, đúng bản chất, tránh việc giật tít câu view, gây hiểu sai về sự việc”, ông Trương Minh Tiến nêu.
Còn theo nguyên Phó Giám đóc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam Nguyễn Xuân Năng, cần tăng cường sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý di sản văn hóa, đơn vị bảo tồn, tu bổ di tích với các cơ quan thông tấn báo chí. Cơ quan quản lý di sản văn hóa và các nhà báo phải tích cực tìm đến với nhau, tăng cường hợp tác đưa tin bài, giúp thông tin về di sản được lan tỏa kịp thời, rộng rãi; tổ chức các đợt tập huấn giúp người làm báo hiểu sâu, kỹ hơn về di sản văn hóa, từ đó nâng cao hiệu quả truyền thông về di sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.