(HNM) - Tuần qua, lần đầu tiên sau khi trúng cử, các đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa XIV nhiệm kỳ 2011-2016 đã tiếp xúc với cử tri 29 quận, huyện, thị xã. Hàng loạt vấn đề bức xúc được nêu lên như chuyện đến trường của trẻ nhỏ hay trật tự đô thị… vẫn đang chờ sự vào cuộc mạnh mẽ và giải pháp thuyết phục.
Những cuộc tiếp xúc đã cho thấy, hệ thống chính quyền từ cấp TP xuống cơ sở sẽ phải cố gắng rất nhiều để nâng cao hiệu quả quản lý, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân trong nhiệm kỳ mới.
Nặng lòng về con trẻ
Cử tri vẫn luôn nhạy cảm với những vấn đề thời sự. Lần này, chuyện đến trường của trẻ mầm non hâm nóng các cuộc tiếp xúc. Thực tế, không chỉ có ở quận Ba Đình hay Tây Hồ mới có chuyện xếp hàng xin học, ngay cả huyện ngoại thành như Gia Lâm, Từ Liêm và một số nơi khác cũng xảy ra hiện tượng này. Cử tri Đỗ Trung Long (xã Xuân Đỉnh, Từ Liêm) kiến nghị: "Trước khi chấp bút quy hoạch, xin hãy đến với dân để hiểu rõ nhu cầu thực tế". Cùng tâm tư trên, một số cử tri khác cảnh báo, nếu không tính trước, các huyện ngoại thành dù còn quỹ đất dồi dào, một ngày nào đó cũng sẽ rơi vào cảnh không còn đất để mở rộng hoặc xây dựng trường học mới. Cử tri Trịnh Xuân Khải (phường Xuân La, Tây Hồ) cho rằng, TP nên ưu tiên xây dựng trường học và các công trình công cộng nhiều hơn là các dự án phát triển nhà ở. TP đã có chủ trương ưu tiên dành đất di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ở nội đô để xây dựng trường học, nhưng nhiều trường hợp đã không được thực hiện, cần bổ sung chính sách liên quan để có sự ràng buộc mạnh mẽ hơn.
Cử tri Nguyễn Thị Hòa (phường Yên Phụ, Tây Hồ) đề cập đến sự chênh lệch quá cao giữa học phí trường công và trường tư, một trong những nguyên nhân rất quan trọng gây ra tình trạng quá tải trường công hiện nay. "Học ở trường mầm non công lập chỉ phải đóng học phí 50.000 đồng/tháng, trong khi trường tư là hàng triệu đồng/tháng. Chênh lệch như vậy, hỏi làm sao trường công không quá tải?" - bà Nguyễn Thị Hòa phân tích. Cử tri cho rằng, ở nhiều nước, chính sách phúc lợi cho giáo dục là thống nhất, nếu các trường tư đạt các tiêu chuẩn bắt buộc của Nhà nước, họ cũng được cấp kinh phí như trường công, nên không có sự chênh lệch quá lớn về học phí hay chất lượng như giữa trường công và trường tư như của ta.
Không chỉ nặng lòng về con trẻ trong chuyện chỗ học, cử tri còn đau đáu trước tình trạng xuống cấp đạo đức của một bộ phận học sinh, thanh, thiếu niên hiện nay. Cử tri Đào Văn Thu (phường Khâm Thiên, Đống Đa) bức xúc trước cảnh thanh niên đi xe đẹp, để đầu trần phóng bạt mạng trên phố và kiến nghị: "TP phải có biện pháp xử lý mạnh, tăng mức phạt để răn đe. Đồng thời tổ chức vận động gia đình giáo dục các cháu". Cử tri Nguyễn Thanh Sơn (phường Chương Dương, Hoàn Kiếm) lo lắng vì tình trạng học sinh đi xe máy đến trường, đề xuất: "TP tổ chức các chuyến xe đưa học sinh đến trường sẽ khắc phục được tình trạng này". Một số cử tri cho rằng, các em học sinh hôm nay sẽ là thế hệ người Hà Nội trưởng thành trong tương lai, nên việc giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh trong nhà trường và trong gia đình phải được đặt lên hàng đầu. Theo cử tri Nguyễn Văn Ninh (phường Liễu Giai, Ba Đình) và một số cử tri khác thì cần phải giáo dục con trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Muốn vậy hãy "trẻ hóa" những bài học, tạo sự gần gũi và thu hút mạnh mẽ hơn với lớp trẻ.
Mâu thuẫn bài toán đô thị
Rất nhiều cử tri bày tỏ quan điểm, kiến nghị về tình hình trật tự đô thị hiện nay. Nhiều cử tri chưa đồng tình với mô hình mới được áp dụng trong quản lý đô thị. "Đúng là khoán quản tăng thu, tăng việc làm, nhưng cứ xẻ hè, xẻ đường ra trông xe khiến dân không có đường đi như thế này thì không ổn" - cử tri Nguyễn Văn Mạnh (phường Cửa Đông, Hoàn Kiếm) nhận xét. Cử tri Trần Thị Phòng (phường Hàng Bài, Hoàn Kiếm) bức xúc nói: "Chỉnh trang đô thị làm dân rất phấn khởi vì phố, phường khang trang hơn hẳn, nhưng đáng tiếc vỉa hè sửa xong bây giờ dân ít được hưởng thụ, mà toàn để xe".
Quản lý vỉa hè gọn, đẹp vừa có thể kinh doanh tốt, vừa có đường dành cho người đi bộ. Ảnh: Phương An |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.