Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp tại Hà Nội: Đồng bộ giải pháp

Sơn Tùng| 15/02/2016 06:45

(HNM) - Nhờ quan tâm đầu tư và bằng nhiều cách làm sáng tạo đã mang đến những đổi thay đáng kể cho sản xuất nông nghiệp Hà Nội. Ở khu vực ngoại thành đã xuất hiện nhiều nông dân tỷ phú thu nhập từ mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả...


"Nở rộ" mô hình hiệu quả

Thăm mô hình trồng phật thủ xã Đắc Sở (Hoài Đức) mới thấy rõ hiệu quả chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của Hà Nội đang chuyển dịch đúng hướng. Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh phật thủ Đắc Sở Tạ Văn Phúc cho biết, ngoài thu tiền tỷ từ trồng cam Canh, bưởi Diễn, tết Nguyên đán Bính Thân 2016 hơn 400 hộ dân xã Đắc Sở còn bội thu từ trồng cây phật thủ. Theo ông Phúc, yếu tố "kích thích" nông dân ham mê đồng ruộng, đó chính là các chính sách đầu tư nông nghiệp đi vào cuộc sống kịp thời. Đặc biệt chương trình dồn điền, đổi thửa gắn với xây dựng nông thôn mới của Hà Nội đã tạo thuận lợi cho nhiều mô hình sản xuất phát triển...

Mô hình trồng phật thủ tại xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức). Ảnh: Bá Hoạt


Ông Nguyễn Văn Trường, thôn Tràng Cát, xã Kim An (Thanh Oai) cho biết, ngoài quan tâm đầu tư tạo điều kiện cho nhiều mô hình kinh tế mới phát huy lợi thế ở từng địa phương, nông dân còn thường xuyên được tập huấn khoa học kỹ thuật và hỗ trợ xây dựng thương hiệu… nên từng bước tiếp cận nhanh với thị trường. Đơn cử như ở xã Kim An, trước đây điều kiện canh tác khó khăn, nay đường nội đồng được quy hoạch tới từng chân ruộng, ô tô có thể đỗ ngay đầu bờ để thu mua nông sản. Nhiều giống cây mới chất lượng cao ở các viện nông, lâm nghiệp đến với nông dân rất nhanh...

Không riêng Hoài Đức, Thanh Oai, ở khu vực ngoại thành Hà Nội xuất hiện ngày một nhiều cách làm hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng hoa ly, hoa lan ở các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Mê Linh, Phúc Thọ, Thanh Trì, Đông Anh... cho giá trị từ 0,5 đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm, thậm chí đạt 2 - 3 tỷ đồng/ha/năm; mô hình cây ăn quả ở một số xã thuộc các huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh với giá trị đạt 1 - 2 tỷ đồng/ha/năm; các mô hình chăn nuôi thủy sản ở một số xã thuộc huyện Thanh Trì, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Gia Lâm, Thanh Oai, Quốc Oai... với giá trị từ 200 đến 300 triệu đồng/ha/năm.

Ưu tiên đầu tư

Tuy vậy, ở một số nơi, nông dân vẫn loay hoay với việc chọn cây trồng chủ lực; mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn lỏng lẻo dẫn tới tình trạng nông dân thu nhập thấp, được mùa rớt giá. Đáng nói, ở nhiều nơi, nông thôn thiếu lao động trẻ, công nghệ cao, có làng chỉ còn người già làm nông nghiệp, sức ỳ ở nông thôn lớn… Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc: Muốn nông nghiệp làm thay đổi đời sống nông dân, bộ mặt nông thôn dứt khoát phải tập trung đầu tư mạnh cho nông nghiệp, nhất là các khâu như giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, đào tạo kiến thức cho nông dân đồng bộ với hệ thống công nghệ sau thu hoạch, chế biến, bảo quản… để nâng cao hiệu quả sản xuất; quan tâm đến việc nhân rộng mô hình, chuyển giao công nghệ cho nông dân...

Ở góc độ vĩ mô, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó quan tâm đến công tác rà soát, điều chỉnh và nâng cao chất lượng quy hoạch, gắn với nghiên cứu thị trường, bảo đảm tính khả thi và tuân thủ quy hoạch, từng bước hạn chế việc sản xuất theo phong trào, tự phát dẫn đến tình trạng "được mùa rớt giá". Nâng cao hiệu lực trong việc quản lý chất lượng nông sản, an toàn vệ sinh thực phẩm, coi truy xuất nguồn gốc đối với hàng nông sản của doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp phải có trách nhiệm đầu tư vào vùng nguyên liệu. Các địa phương cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ với mức cao cho công tác nghiên cứu khoa học nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển có sự liên kết chặt chẽ giữa: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp tại Hà Nội: Đồng bộ giải pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.