(HNM) - Những năm qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao...
Chọn tạo bộ giống chất lượng
Những năm gần đây, xã Hùng Tiến (huyện Mỹ Đức) bắt đầu đưa giống lúa mới vào sản xuất. Chị Đỗ Mai Lan, ở thôn Bạch Tuyết, xã Hùng Tiến, chia sẻ: Trước kia, nông dân Hùng Tiến chỉ thuần túy trồng lúa, chủ yếu là các giống lúa cũ đã thoái hóa nên năng suất, chất lượng không cao. Từ đó, nhiều hộ chuyển đổi sang mô hình sản xuất cây, con khác. Số còn lại, một là bỏ ruộng, cho thuê hoặc chỉ trồng lúa phục vụ nhu cầu của gia đình. Năm 2017, Hùng Tiến được sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp Hà Nội đưa giống lúa mới Kim Cương 111 vào sản xuất. Từ đó đến nay, nhiều hộ bỏ ruộng quay trở lại gieo cấy, bởi ngoài năng suất, giống Kim Cương 111 cho chất lượng gạo tốt, được thị trường thu mua nhiều.
Ông Bùi Trung Thành, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hùng Tiến cho biết: Từ vụ xuân năm 2017, Hùng Tiến triển khai mô hình sản xuất giống lúa Kim Cương 111 với quy mô 20ha tại thôn Bạch Tuyết và Trung Hòa. Kết quả sau nhiều vụ sản xuất cho thấy, năng suất lúa đạt 66 tạ/ha. So sánh với giống lúa đối chứng là Khang Dân 18, năng suất cao hơn 9,78 tạ/ha và cho lợi nhuận cao hơn (8,7 triệu đồng/ha).
Không riêng xã Hùng Tiến mà rất nhiều huyện của Hà Nội đã triển khai, đưa các giống lúa mới vào sản xuất, như: Mê Linh, Chương Mỹ, Quốc Oai… Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hoàng Thị Hòa, sản xuất lúa gạo Hà Nội đang đối diện nhiều thách thức khi diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt là đất lúa ngày một thu hẹp. Bên cạnh đó, so với nhiều loại cây trồng, sản xuất lúa gạo cho hiệu quả kinh tế thấp hơn.
Để duy trì diện tích đất lúa, những năm qua, ngành Nông nghiệp đã tiến hành khảo nghiệm, thực nghiệm nhiều giống lúa mới. Trong năm 2017, Trung tâm đã tổ chức phục tráng, chọn dòng được trên giống lúa Bắc thơm số 7. Kết quả chọn được các dòng bảo đảm đặc tính của giống gốc, có những đặc điểm ưu việt về năng suất, chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh; có nguồn giống gốc để nhân giống cung ứng cho nhu cầu sản xuất lúa trên địa bàn Hà Nội. Ngoài ra, tổ chức khảo nghiệm 28 lượt giống lúa mới; khảo nghiệm sản xuất giống lúa mới trên 3 vùng sinh thái khác nhau của Hà Nội. Trung tâm còn tiến hành thử nghiệm sản xuất giống lúa. Từ việc khảo nghiệm, thực nghiệm, Hà Nội chọn được nhiều giống mới bổ sung vào bộ giống để đưa vào sản xuất đại trà.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, trung bình mỗi năm, chỉ tính riêng người dân 10 quận nội thành tiêu thụ khoảng 67 nghìn tấn gạo chất lượng cao. Những năm gần đây, dù tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống mới cho nông dân, song tỷ lệ trồng lúa chất lượng cao của Hà Nội mới chiếm từ 8 đến 14% diện tích trồng lúa. Mục tiêu của Hà Nội đến năm 2020, cơ cấu giống lúa năng suất sẽ đạt 50%, giống lúa chất lượng 35%, còn lại 15% giống lúa lai. Để hoàn thành được mục tiêu đó, Hà Nội đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa gạo; xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên cho biết: Gạo Tam Hưng là một trong những nhãn hiệu gạo Hà Nội đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận. Tuy nhiên, đến nay hệ thống phơi sấy của hợp tác xã còn hạn chế, máy móc chưa được đầu tư đồng bộ. Bởi vậy, rất cần các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi khép kín và đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến...
Theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất TP Hà Nội, quỹ đất lúa là 92.120ha. Để sản xuất lúa đạt hiệu quả cao, cần thực hiện quy hoạch vùng chuyên canh lúa ở nơi có điều kiện đất đai phù hợp, thuận lợi tưới tiêu; bố trí gọn vùng để thuận lợi cho việc thực hiện cơ giới hóa các khâu canh tác, thu hoạch và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật mới...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.