(HNM) - Thủ đô Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước. Năm học 2022-2023, thành phố có hơn 2.800 trường mầm non, phổ thông với hơn 2,2 triệu học sinh. Đây là nhóm đối tượng đang trong giai đoạn phát triển thể chất, tinh thần, dần hình thành thói quen sinh hoạt cho cuộc sống sau này, vì vậy rất cần được quan tâm trong giáo dục, rèn luyện, chăm sóc sức khỏe để giúp các em phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ.
Những năm qua, thành phố Hà Nội luôn quan tâm đến công tác y tế học đường. Hầu hết các trường học và cơ sở giáo dục đã có cán bộ y tế, có phòng y tế, đáp ứng yêu cầu sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh. Đặc biệt, các trường học đã thiết lập hồ sơ quản lý sức khỏe và tổ chức khám sức khỏe theo chuyên khoa cho học sinh. Công tác truyền thông nâng cao thể chất, phòng, chống bệnh tật trong trường học đã góp phần từng bước giảm tỷ lệ mắc tật khúc xạ, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng, giun sán và các yếu tố nguy cơ của sức khỏe trong trường học.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, sốt xuất huyết và một số loại dịch bệnh khác đang hoành hành, các nhà trường trên địa bàn Thủ đô cũng rất chú trọng đến những biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh được quan tâm đẩy mạnh; công tác vệ sinh trường, lớp thực hiện thường xuyên. Ngoài ra, bữa ăn bán trú học đường luôn được các nhà trường bảo đảm chất lượng và giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Nhiệm vụ quan trọng trước tiên là ngành Giáo dục cùng các địa phương cần thực hiện tốt Kế hoạch số 260/KH-UBND ngày 7-10-2022 của UBND thành phố Hà Nội về triển khai công tác y tế trường học năm học 2022-2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Mục tiêu cốt yếu phải thực hiện là tiếp tục củng cố về nhân lực và cơ sở vật chất cho y tế học đường. Trong đó, nhân viên y tế trong trường học phải là những người có năng lực chuyên môn, chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến sức khỏe học sinh. Thêm nữa, chất lượng dịch vụ của phòng y tế trường học cần được nâng cao. Hay nói cách khác, các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho giáo viên và học sinh cần thực chất, qua đó có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời, dự phòng các bệnh thường gặp, nhất là dịch Covid-19, các dịch bệnh mới nổi… Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác truyền thông về những lợi ích trong tiêm phòng Covid-19 và các dịch bệnh khác; khuyến khích tham gia bảo hiểm y tế; thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường bộ; phòng, chống tai nạn thương tích…
Một nhiệm vụ khác cũng hết sức quan trọng là tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các trường học theo chuẩn, gồm: Phòng học, các phòng chức năng (gồm cả phòng y tế), đồ dùng, trang thiết bị dạy và học; bảo đảm vệ sinh môi trường, hệ thống cung cấp nước sạch và nhà vệ sinh đạt chuẩn theo quy định. Cùng với đó là tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học, như: Bếp ăn bán trú, căng tin, cơ sở cung cấp suất ăn cho học sinh; các hàng, quán bán thực phẩm khu vực xung quanh trường học…
Các bậc phụ huynh cũng cần nhận thức rõ tầm quan trọng của y tế học đường để phối hợp với nhà trường xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho con em mình tại trường học cũng như tại gia đình một cách tốt nhất.
Phát triển, nâng cao chất lượng công tác y tế học đường là giải pháp quan trọng tạo nền tảng sức khỏe thể chất, tinh thần, giúp học sinh học tập tốt, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.