Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao chất lượng giáo dục thể chất trong nhà trường

Phong Thu| 16/11/2017 07:08

(HNM) - Ngày 15-11, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo và biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.


Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự thống nhất với quy định mới nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường.

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, Ban soạn thảo đánh giá tính khả thi đối với quy định mỗi năm tổ chức một cuộc thi đấu thể thao toàn trường, vì vùng sâu, vùng xa còn khó khăn về cơ sở vật chất và kinh phí.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Đinh Thị Kiều Trinh (Đoàn Nghệ An) cho rằng, mỗi năm tổ chức một cuộc thi đấu thể thao toàn trường là không phù hợp và dễ dẫn đến tổ chức theo kiểu hình thức. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn Hà Nội) đề nghị, đối với giáo dục thể chất trong nhà trường, cần xếp thể dục, thể thao là môn quan trọng cũng như cần chỉnh sửa môn học này là môn chính, thời gian học là 5 tiết/tuần.

Đặc biệt, trong nhà trường cần đưa vào 2 môn bắt buộc là bơi và điền kinh. Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, luật nên thể hiện rõ nét hơn về việc tham gia thể dục, thể thao không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân đối với xã hội…

Giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, Ban soạn thảo tiếp tục sửa đổi các nội dung với mong muốn sau khi luật được thông qua thì số người tham gia hoạt động thể dục thể thao tăng lên. Đối với giáo dục thể chất, hoạt động thể thao trong nhà trường, ít nhất mỗi trường cần một năm tổ chức một giải, bởi không tổ chức giải thì không phát triển được phong trào...

Trước đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Lâm nghiệp với 87,78% đại biểu có mặt tán thành. Luật Lâm nghiệp có 12 chương, 108 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng giáo dục thể chất trong nhà trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.