(HNM) - Mỗi ngày các cơ sở kinh tế của TP Hồ Chí Minh thải ra hàng trăm tấn chất thải nguy hại (CTNH), nhưng số được xử lý đúng quy trình, bảo đảm an toàn cho môi trường chiếm rất ít, còn lại bị đổ tràn lan trong các khu dân cư.
Chất thải nguy hại bị cơ quan chức năng phát hiện.
Địa bàn quận 9 hiện tồn tại không ít "bãi" thùng nhựa, phuy sắt, bao bì… dính các thành phần hóa chất nguy hại, tập trung ở các điểm do DN quản lý. Nguy hiểm hơn, có bãi CTNH nằm ngay trong khu dân cư, gây lo ngại cho người dân. Ông Nguyễn Văn Bảy (phường Long Bình, quận 9), than thở: "Bãi chất thải này tồn tại đã nhiều năm, ngay sát khu dân cư khiến chúng tôi mất ăn mất ngủ, lo chất thải theo mưa thấm vào đất, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Cách đây không lâu, chính quyền địa phương đã đầu tư cho xây dựng tường rào bao quanh ngăn không cho các xe ra vào đổ chất thải, nhưng thi thoảng buổi tối vẫn có xe chở chất thải lén lút đến đổ"…
Một số địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp như quận Thủ Đức, Bình Chánh, huyện Củ Chi… cũng tồn tại nhiều bãi CTNH. Một số lãnh đạo DN cho biết, từ khi Luật Bảo vệ môi trường được siết chặt, nhu cầu xử lý CTNH tăng lên, việc tiếp nhận chất thải của các đơn vị để xử lý còn hạn chế nên nhiều DN chất đống trong sân bãi của mình hoặc phân tán, chôn lấp trái phép.
Nhà đầu tư không mặn mà
Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, mỗi ngày TP thải ra 6.700 tấn chất thải rắn, trong đó có 1.500 - 2.000 tấn chất thải công nghiệp và CTNH cần xử lý, tái chế. Đối với CTNH, không phải loại nào cũng đốt được, có loại phải chôn lấp tại các bãi được xây dựng với quy trình tuyệt đối an toàn, cụ thể phải đúc sàn bê tông phía dưới và có hệ thống mái che kín… Mặc dù CTNH có "nguồn cung" lớn như vậy, song hiện tại chỉ có 4 đơn vị xử lý chủ lực là Công ty TNHH Môi trường Xanh, Công ty cổ phần Môi trường Việt Úc, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị, Công ty TNHH Xử lý môi trường Thành Lập. Khả năng tiếp nhận xử lý bằng phương pháp đốt của các đơn vị này từ 40- 60 tấn/ngày, chủ yếu bằng phương pháp đốt và hóa rắn.
Vì sao lại có quá ít đơn vị tham gia xã hội hóa xử lý CTNH? Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Sở Tài nguyên - Môi trường) lý giải, lĩnh vực xử lý CTNH rất khác với chất thải rắn đô thị. Trong xử lý chất thải rắn, nhiều đơn vị còn chạy đua về giá thành, công nghệ để được đầu tư vì lĩnh vực này cho phép họ có nguồn nguyên liệu, vốn đầu tư, công nghệ và đầu ra sản phẩm rất ổn định. Thậm chí họ còn có "lợi kép" nhờ thu được chi phí xử lý rác (do ngân sách nhà nước chi trả) và tận thu sản phẩm tái chế từ rác. Đối với lĩnh vực xử lý CTNH, từ năm 2007, TP đã kêu gọi các nhà đầu tư tham gia xã hội hóa, nhưng đến nay không mấy đơn vị hào hứng vì nguồn nguyên liệu không ổn định, lại phân tán rải rác do phụ thuộc vào hoạt động sản xuất của DN. Mặc dù theo quy hoạch TP đã bố trí bãi chôn lấp an toàn ở huyện Củ Chi nhưng đến nay đề án này vẫn nằm… trên giấy. Trong khi đó, CTNH tuy số lượng ít hơn chất thải rắn đô thị nhưng tính độc hại đối với môi trường lại cao hơn rất nhiều, không phải DN nào cũng có năng lực để xử lý.
Có thể thấy, trung bình mỗi ngày TP tiếp nhận số lượng CTNH không nhỏ, nhưng việc thu gom và xử lý rất hạn chế và khó tránh khỏi tình trạng hằng ngày vẫn có hàng trăm tấn CTNH đổ tràn lan khắp nơi, lẫn vào các khu dân cư. Vì vậy, để xử lý triệt để toàn bộ CTNH, ngoài việc đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, TP cần phải xây dựng cơ chế hỗ trợ, tháo bỏ rào cản để tăng cường thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.