(HNM) - Cần một quyết tâm mới để vượt qua những thách thức mới, đây chính là bức thông điệp của năm mới 2013.
Song với sự cố gắng của các cấp ủy, chính quyền, ngành, đoàn thể, mọi người dân, nhất là hộ có hoàn cảnh khó khăn, công nhân nghèo được chăm lo, đón cái Tết đủ đầy ý nghĩa trong sự sẻ chia của cả cộng đồng. Năm Quý Tỵ được dự báo chưa hết khó khăn. Cần một quyết tâm mới để vượt qua những thách thức mới, đây chính là bức thông điệp của năm mới 2013.
Trồng hoa lan cho thu nhập cao tại xã Đông La (huyện Hoài Đức). Ảnh: Thanh Hải |
Ở khu vực ngoại thành Hà Nội, Hoài Đức là huyện có nhiều làng nghề, DN chịu tác động của khủng hoảng kinh tế. Chỉ riêng xã La Phù đã có vài chục DN trong hơn 150 DN phải giải thể hoặc chuyển đổi ngành nghề. Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Khuất Văn Thành chia sẻ, trong bối cảnh đó, huyện đã có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn về vốn, định hướng DN đổi mới công nghệ, hướng vào sản xuất các mặt hàng phục vụ thị trường nội địa, nhất là các sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Cộng với hiệu ứng của cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", dịp tết năm nay các sản phẩm thủ công mỹ nghệ (xã Sơn Đồng); chế biến nông sản thực phẩm (ở các xã Đức Giang, Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế); sản phẩm dệt may, bánh mứt kẹo (xã La Phù)… tiêu thụ đạt mức khá. Khu vực DN và hộ sản xuất đã đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Điển hình là Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương, Công ty cổ phần Vinapol, Công ty TNHH Việt Pháp, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Đức Hạnh… Mặt khác, Hoài Đức đẩy mạnh phát triển nông nghiệp với các sản phẩm đặc trưng như cam Canh, rau an toàn, hoa lan… cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/ha. Đặc biệt, bà con nông dân xã Đắc Sở Tết này thu nhập 500-800 triệu đồng/ha từ việc trồng quả phật thủ. Nhờ đó, năm 2012, huyện Hoài Đức đã thu được 1.475 tỷ đồng từ sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Khuất Văn Thành, trên địa bàn huyện, các DN đầu tư lĩnh vực công nghiệp, thiết bị, bất động sản… vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Không riêng ở Hoài Đức, năm 2012 tình hình chung của DN đầu tư ở lĩnh vực trên đều rơi vào cảnh khốn đốn. Theo thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, chỉ có 50% DN công nghiệp đủ việc làm cho dịp cuối năm, có 12,2% DN đang dư thừa lao động và có thể cắt giảm nhân sự. Tại các DN thuộc Ban Quản lý Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cũng chỉ có khoảng 50% DN (trong nước) có thưởng tết cho người lao động…
Trong những ngày đầu xuân, cùng với huyện Hoài Đức, hàng vạn cơ quan, đơn vị, DN trên địa bàn TP đều có chung một nỗi niềm, đó là làm sao để vơi đi khó khăn, sản xuất, kinh doanh trôi chảy. Trước thềm năm mới Quý Tỵ 2013, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định, năm nay, phải tạo bước đột phá trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và bảo đảm tăng trưởng từ 8-8,5%. Để đạt mục tiêu này, trước hết, TP xác định phải đẩy mạnh cải cách hành chính, tổ chức gặp gỡ các DN, xác định những giải pháp căn bản để giúp DN giảm chi phí đầu vào, hỗ trợ đầu ra; tháo gỡ khó khăn về lãi suất ngân hàng, xử lý nợ xấu, ưu tiên tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi để các DN tiếp cận nguồn vốn.
Bên cạnh đó, TP sẽ thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tổ chức các phiên chợ hàng Việt, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch; tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước, thị trường xuất khẩu. Các chương trình, kế hoạch như phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ; nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN; hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến… sẽ được tiếp tục thực hiện. Phát huy tác dụng của các quỹ của TP trong việc hỗ trợ đầu tư, sản xuất kinh doanh, đào tạo, giải quyết việc làm.
Năm Nhâm Thìn 2012, dù đạt kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực nhưng Hà Nội vẫn có một số chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra. Về nguyên nhân, nhiều chuyên gia đã chỉ ra những điểm yếu trong công tác của cơ quan hành chính nhà nước, trong điều hành, tổ chức sản xuất, kinh doanh của DN. Cơ quan hành chính chưa thực sự "sống" cùng những khó khăn của DN, chưa "hết mình" để hỗ trợ DN vượt khó. DN còn chậm đổi mới, thiếu năng động...
Năm Quý Tỵ 2013 được dự báo, tình hình kinh tế đất nước nói chung và Thủ đô nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên phía trước cũng mở ra không ít cơ hội để các đơn vị, DN có thể phát triển bền vững, đặc biệt là việc tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế đang ở thời điểm chín muồi. Bây giờ là những ngày đầu xuân của năm Quý Tỵ nhưng đã được 1/2 thời gian của quý I-2013. Nói vậy để thấy, những tồn tại nêu trên cần phải được khẩn trương giải quyết với tinh thần mạnh mẽ, quyết liệt để có thể giành kết quả tích cực ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.