Đối với mỗi cấp ủy Đảng, nắm bắt và giải quyết những ý kiến, kiến nghị, đơn thư của người dân, phòng ngừa phát sinh “điểm nóng” ngay từ cơ sở, không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh công tác chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ mới đã bắt đầu được triển khai.
1. Hằng ngày, trong cuộc sống phát sinh rất nhiều vấn đề, vụ việc đòi hỏi cấp ủy phải quan tâm. Trong đó, những vấn đề phát sinh dẫn tới những mâu mắc đáng quan tâm hơn cả, vì từ đây người dân có ý kiến, kiến nghị, thậm chí đơn thư khiếu nại, tố cáo. Nếu vấn đề được cấp ủy, chính quyền nắm bắt sớm, chỉ đạo giải quyết dứt điểm thì tình hình ổn định; ngược lại, sẽ gia tăng bức xúc, phát sinh khiếu kiện vượt cấp, tụ tập đông người, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tại Hà Nội, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã đặc biệt chú ý đến vấn đề này, ban hành văn bản chỉ đạo, yêu cầu các cấp ủy Đảng phải coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng. Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội” và Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16-12-2016 của Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội” được thành lập ở cấp thành phố và cấp huyện, đến nay vẫn duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Hằng năm, Ban Chỉ đạo hai cấp đều tiến hành rà soát các vụ việc đơn thư khiếu nại tố cáo phức tạp để đưa vào diện theo dõi, tập trung chỉ đạo giải quyết.
Đồng thời, lãnh đạo cấp ủy từ thành phố xuống cơ sở đều thực hiện nghiêm Quy định số 11-QĐi/TƯ ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”; có kế hoạch thực hiện bài bản. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 229-KH/TU ngày 26-3-2024 về tiếp tục tiếp dân, đối thoại với dân thực hiện Quy định số 11-QĐi/TƯ của đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; nêu cụ thể lịch các cuộc tiếp dân, đối thoại với dân định kỳ, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy thực hiện quy định.
Tuy nhiên, trong thực tế, không ít cấp ủy vẫn chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc nắm bắt và giải quyết kịp thời ý kiến, kiến nghị, đơn thư của người dân; nên chưa dành sự quan tâm thích đáng cho việc này. Vì thế, đơn thư vượt cấp, khiếu kiện đông người phức tạp vẫn còn nhiều. Năm 2023, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15 cấp thành phố đưa vào diện theo dõi 47 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, trong đó có 9 vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp; đến nay đã giải quyết và đưa ra khỏi diện theo dõi 23 vụ việc, vẫn còn 24 vụ việc tiếp tục theo dõi, giải quyết. Ban Chỉ đạo cấp huyện đưa vào theo dõi 78 vụ việc, đến nay đã giải quyết được 16 vụ việc, còn 62 vụ việc tiếp tục theo dõi, giải quyết. Đó là chưa kể những vụ việc phát sinh mới hoặc chưa được đưa vào diện theo dõi đều có nguy cơ trở nên phức tạp hơn, nếu không được giải quyết sớm.
2. Để khắc phục hạn chế này và để nắm bắt nhanh, giải quyết sớm đơn thư, kiến nghị của người dân, chủ động phòng ngừa phát sinh “điểm nóng”, điểm phức tạp, các cấp ủy Đảng trước tiên cần loại bỏ tư duy ngại khó, ngại khổ; thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “dĩ công vi thượng”, nghĩa là đặt lợi ích chung lên trên hết, tất cả vì nước, vì dân, đem lòng chí công vô tư mà đối xử với người, với việc... Vì giải quyết ý kiến, kiến nghị, đơn thư của dân thường khó khăn, nhất là hầu hết các vụ việc đòi hỏi thủ tục phức tạp và phối hợp chặt chẽ, nhiều lần giữa các cấp, các ngành với nhau. Có trường hợp nói như cán bộ địa phương là quá trình giải quyết có lúc như đi vào bụi rậm, càng lúc càng rối, có lúc lại như húc vào đá tưởng như không thể vượt qua. Những lúc như thế, nếu cán bộ không có tinh thần “dĩ công vi thượng” thì không giải quyết được việc cho dân.
Thêm vào đó, cán bộ cấp ủy muốn giải quyết tốt kiến nghị, đơn thư, tiếp dân, đối thoại với dân hiệu quả, nhất định phải không ngừng nâng cao, tích lũy hiểu biết về cơ chế, chính sách, pháp luật. Thành phố cũng cần xây dựng cơ chế cho phép cấp ủy từ cơ sở có thể sử dụng dịch vụ tham vấn pháp luật khi cần thiết nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ việc ngay từ cơ sở cũng phải bảo đảm đúng pháp luật. Thực tế, không ít trường hợp, do cán bộ địa phương hiểu sai, hiểu chưa đầy đủ về các quy định pháp luật, dẫn đến giải quyết đơn thư không đúng thẩm quyền, sai quy định thành ra “chữa lợn lành thành lợn què” càng làm cho tình hình thêm phức tạp, bức xúc càng bức xúc thêm.
Một giải pháp quan trọng khác giúp các cấp ủy gia tăng năng lực nắm bắt sớm, chỉ đạo giải quyết nhanh các kiến nghị, đơn thư của người dân là thành phố cần sớm xây dựng hệ thống dữ liệu điện tử, số hóa hồ sơ, thông tin liên quan, bảo đảm dùng chung, có sự liên kết, liên thông giữa các cấp, các ngành.
Đặc biệt, các cấp ủy cấp trên cơ sở cần hình thành quy trình mẫu, mô hình tiêu biểu, từng bước chuẩn hóa cách thức xem xét, xử lý tình huống đơn thư, kiến nghị của người dân. Trước đây, có một hai quận, huyện đã triển khai việc này, nhưng đến nay, hầu như không còn được nhắc đến, trong khi việc giải quyết rốt ráo đơn thư vẫn có ý nghĩa rất quan trọng. Nhiệm vụ này càng có ý nghĩa quan trọng hơn khi đang chuẩn bị cho đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, đặt ra yêu cầu phải tăng cường ổn định tình hình ngay từ cơ sở, tập trung giải quyết những việc dân cần.
Để có thể phát huy năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm cao trong nắm bắt cũng như giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, phòng ngừa xảy ra “điểm nóng”, các cấp ủy phải luôn coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, đặc biệt quan trọng. Đó cũng còn là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy cơ quan, đơn vị, địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.