Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năm 2020, Sabibeco phấn đấu chia cổ tức từ 15% trở lên

Long Thắng| 24/06/2019 11:18

Ngày 17-6-2019, tại TP Hồ Chí Minh, Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco) đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2019.


Giá nguyên liệu đầu vào và thuế tăng mạnh

Theo ông Nguyễn Xuân Hải, Tổng giám đốc Sabibeco, trong những thập kỷ gần đây, ngành bia Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh chóng, hiện sản lượng bia chiếm 93% tổng sản lượng tiêu thụ đồ uống có cồn của người Việt. Sản lượng sản xuất toàn ngành thuộc top 10 nước dẫn đầu thế giới. Riêng sản lượng sản xuất bia năm 2018 toàn ngành đạt khoảng 4,3 tỷ lít, sản lượng tiêu thụ ước đạt 4,2 tỷ lít.

Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây, mức tăng trưởng sản lượng của ngành bia tại Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại. Nếu như giai đoạn 2007 - 2011, tăng trưởng đạt 9,7%, thì giai đoạn 2012 - 2015 mức tăng trưởng chỉ đạt 7,3% và đến giai đoạn 2016 - 2018 chỉ tiêu này chỉ còn 6,8% (theo brandsvietnam.com).

Trong năm tài chính vừa qua, malt và hoa bia là nguyên liệu quan trọng để sản xuất bia nhưng các nhà máy sản xuất bia hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu, giá bán tăng do nhiều vùng trồng hoa bia mất mùa. Trong khi đó, tỷ giá ngoại tệ tăng, khiến cho chi phí đầu vào tăng mạnh, ảnh hưởng đến giá thành, ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh. Đồng thời, thuế tiêu thụ đặc biệt tăng từ 60% lên 65% từ ngày 1-1-2018 cũng góp phần giảm tỷ suất lợi nhuận của nhà sản xuất.

Thị trường trong nước cạnh tranh quyết liệt

Một điều ai cũng thấy, năm vừa qua thị trường trong nước cạnh tranh quyết liệt. Các hãng bia lớn trên thế giới đã đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam, cùng với các chiến lược marketing toàn cầu để tăng thị phần, đã tạo áp lực cạnh tranh gay gắt lên các doanh nghiệp sản xuất bia trong nước, trong đó có các sản phẩm của Sabibeco là các nhãn hàng bia Sagota. Đó là chưa kể, các hãng này cũng nhập khẩu bia của họ sản xuất tại nước ngoài vào tiêu thụ làm cho thị trường càng thêm khó khăn.

Đáng lưu ý là sự cạnh tranh này đang diễn ra không lành mạnh, trong đó nhiều nhãn hàng đã vi phạm Luật Cạnh tranh. Ngay tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Sabibeco, ông Văn Thanh Liêm, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, trong cuộc chiến giành thị phần của các hãng bia trong và ngoài nước đang diễn ra rất khốc liệt thì đã có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Trong đó có những nơi cạnh tranh bằng khuyến mại không đúng luật, hay dán tờ rơi lên hàng quán hoặc đăng lên Facebook để lan truyền thông tin không đúng về sản phẩm một cách thô thiển và phạm luật để nói xấu đối thủ.

Ông Văn Thanh Liêm cho rằng, những hành động cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm pháp luật như thế cần phải lên án, xử lý một cách nghiêm minh. Sabibeco là một đơn vị đang sản xuất các dòng sản phẩm bia của Tổng Công ty Bia-Rượu và Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco) và thương hiệu riêng là bia Sagota gồm: Sagota Premium, Sagota Light, Sagota Gold, Sagota không cồn, bia chai Sagota Lage và mới đây đã tung ra dòng bia cao cấp bia chai Sagota Pure.

Ông Văn Thanh Liêm, Chủ tịch HĐQT Sabibeco chủ trì Đại hội cổ đông thường niên năm 2019.


Ông Văn Thanh Liêm cũng cho biết, ông đang theo dõi diễn biến sự cạnh tranh này và nếu các doanh nghiệp còn tiếp tục chơi những trò “đánh dưới thắt lưng” như thế buộc Sabibeco sẽ làm việc với các cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Một trong những vấn đề mà các cổ đông quan tâm chính là lợi nhuận của Sabibeco như thế nào, trong điều kiện một cổ đông lớn là Sabeco đã hoàn toàn do người Thái Lan làm chủ.

Với những gì đang diễn ra, các cổ đông không thể không lo ngại khi một số doanh nghiệp thành viên của Sabeco đã thực hiện các chiến dịch khuyến mại không lành mạnh; sản lượng đặt gia công thấp và chủ yếu là những sản phẩm giá thấp; giảm số lượng hàng hóa vận chuyển qua công ty vận tải… sẽ dẫn đến không hoàn thành chỉ tiêu sản xuất kinh doanh.

Phấn đấu chia cổ tức từ 15% trở lên

Thực tế năm vừa qua, Sabibeco đã có một số chỉ tiêu sản xuất kinh doanh không đạt được kế hoạch. Trong đó, sản lượng sản xuất của Sabibeco đạt khoảng 272,51 triệu lít bia, giảm 1,45% so với năm 2017 do sản lượng nhận hàng của Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn không đạt kế hoạch. Hiện nay, lượng hàng đặt sản xuất từ đầu năm vẫn chưa nhận hàng. Các chỉ số về lợi nhuận sau thuế đạt hơn 177 tỷ đồng, giảm 21,07% so với cùng kỳ năm 2017 do thuế tiêu thụ đặc biệt tăng lên 65% và giá nguyên vật liệu tăng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Hội đồng quản trị Sabibeco cũng cố gắng chi trả cổ tức cho cổ đông năm 2018 với tỷ lệ 20%/vốn điều lệ.

Các cổ đông đều nhất trí thông qua toàn bộ tờ trình mà Hội đồng quản trị đưa ra.


Theo kế hoạch năm 2019, Sabibeco đề ra tổng sản lượng sản xuất bia các loại đạt 283,13 triệu lít và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 135,73 tỷ đồng, mức chia cổ tức dự kiến là 15%/vốn điều lệ. Để đạt được kế hoạch chia cổ tức như thế đòi hỏi cán bộ, công nhân viên công ty rất nỗ lực trong sản xuất và kinh doanh, trong đó tập trung gia công các sản phẩm đặt hàng từ Sabeco thật tốt, nhất là với các nhãn hàng bia cao cấp như Saigon Special; thúc đẩy bán các sản phẩm bia Sagota Premium, Sagota Light, Sagota Gold, Sagota không cồn và bia chai Sagota Lager, Sagota Pure…

Ông Văn Thanh Liêm cho biết, hiện tại hệ thống của Sabibeco đã có 5 nhà máy sản xuất gồm: Nhà máy Bia Sài Gòn - Bình Dương, Nhà máy Bia Sài Gòn - Hoàng Quỳnh và Nhà máy Bia Sài Gòn - Đồng Tháp với tổng công suất 270 triệu lít/năm; Nhà máy Bia Sài Gòn - Ninh Thuận có công suất 100 triệu lít/năm và Nhà máy Bia Sài Gòn - Phủ Lý với công suất 100 triệu lít/năm. Theo kế hoạch phát triển, tới đây Sabibeco sẽ mời gọi đầu tư để hoàn thành xây dựng và đưa Nhà máy Bia Sài Gòn - Long Khánh vào sản xuất.

Sabibeco vừa tung ra dòng bia cao cấp Sagota Pure và được khách hàng đánh giá rất cao.


Ông Văn Thanh Liêm giải thích rõ, trong bối cảnh hiện nay, để đầu tư xây dựng nhà máy mới, Sabibeco cần huy động lượng vốn đầu tư lớn. Trong khi đó, Sabibeco hiện đang là chủ đầu tư xây dựng Nhà máy Bia Sài Gòn - Long Khánh thuộc Công ty CP Bia Sài Gòn - Long Khánh tại Khu công nghiệp Long Khánh (Đồng Nai). Nhà máy đã được khởi công xây dựng vào tháng 4-2018 với tổng vốn đầu tư khoảng 900 tỷ đồng trên diện tích 4,5 ha, với công suất 100 triệu lít/năm. Toàn bộ thiết bị của nhà máy được cung cấp bởi tập đoàn cung ứng thiết bị sản xuất bia nổi tiếng hàng đầu thế giới Krones.

Hiện tại, nhà máy đang trong giai đoạn xây dựng và đầu tư máy móc thiết bị sản xuất. Có hai phương án được nêu ra tại đại hội cổ đông để lấy ý kiến. Đó là, nếu Sabibeco nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty CP Bia Sài Gòn - Long Khánh lên áp đảo thì Sabibeco sẽ sở hữu thêm nhà máy mới, doanh nghiệp sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng để nhà máy sớm đi vào hoạt động, đóng góp vào năng lực sản xuất chung của Tập đoàn ngay trong năm 2019. Theo đó, Sabibeco sẽ thực hiện phát hành riêng lẻ 15,8 triệu cổ phiếu để hoán đổi nhằm sở hữu toàn bộ Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Long Khánh với tỷ lệ hoán đổi là 1:1, sau khi hoàn tất, Sabibeco sẽ trở thành chủ sở hữu duy nhất của công ty này.

Phương án hai cũng được Hội đồng quản trị Sabibeco trình ngay tại Đại hội cổ đông thường niên vừa qua, là chính thức mời Sabeco tham gia đầu tư dự án Nhà máy Bia Sài Gòn - Long Khánh với tỷ lệ đầu tư giữa Sabeco và Sabibeco là 50% - 50%. Các cổ đông cũng thông qua giao quyền cho Hội đồng quản trị lựa chọn phương án nào tốt nhất để mang lại hiệu quả, mang lại cổ tức cao cho cổ đông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Năm 2020, Sabibeco phấn đấu chia cổ tức từ 15% trở lên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.