(HNMO) - Năm 2017, tỷ giá USD/VND khá ổn định. Bước sang năm 2018, nhiều dự báo cho rằng, tỷ giá sẽ không có biến động lớn.
Năm 2017 vừa qua đi với nhận định được đưa ra là tỷ giá khá ổn định. Tính đến tháng 12-2017, tỷ giá trung tâm ước tăng khoảng 1,5-1,7% so với đầu năm. Trong khi đó, tỷ giá tại ngân hàng thương mại giảm khoảng 0,2% so với đầu năm.
Tại báo cáo tình hình kinh tế-tài chính năm 2017 và triển vọng năm 2018, cơ quan này cho rằng, có nhiều nguyên nhân giúp tỷ giá ổn định. Đó là: Đồng USD mất giá trên thị trường quốc tế (chỉ số USD Index giảm 9,1% so với đầu năm) dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất nhiều lần do tác động của chính sách chống thâm hụt thương mại; chênh lệch giữa lãi suất VND và USD vẫn còn ở mức lớn (khoảng 6-7%), nghiêng về việc nắm giữ VND.
Huy động ngoại tệ tăng thấp, ước tăng 4% so với cuối năm 2016, trong khi Ngân hàng Nhà nước mua được khoảng 7 tỷ USD từ hệ thống ngân hàng, do vậy, có thể một lượng lớn ngoại tệ đã được tổ chức kinh tế và cá nhân bán và chuyển sang VND.
Ảnh minh họa, nguồn: Internet |
Ngoài ra, cán cân thanh toán tổng thể tiếp tục thặng dư nhờ cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu; cán cân vốn và tài chính năm 2017 ước thặng dư ở mức khá cao (dự báo ở mức 4,03% GDP).
Còn Công ty Chứng khoán MB cho rằng, nguồn cung USD trong nước khá dồi dào nhờ vào dòng vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp cũng là yếu tố giúp tỷ giá duy trì ổn định.
Về diễn biến tỷ giá trong năm 2018, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo, tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định. Sở dĩ cơ quan này dự báo như vậy bởi có nhiều yếu tố hỗ trợ tỷ giá, như: Cán cân thương mại có khả năng tiếp tục thặng dư do kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu tại các nước mới nổi và đang phát triển tiếp tục xu thế tăng so với năm trước; dòng vốn nước ngoài vẫn có xu hướng tích cực (trong bối cảnh lãi suất thấp tại các nền kinh tế phát triển, dòng vốn đang có xu hướng chảy vào các khu vực kinh tế mới nổi và đang phát triển để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn).
“Tuy nhiên, tần suất tăng lãi suất của Fed trong năm 2018 sẽ nhiều hơn, tạo kỳ vọng đồng USD tăng giá trở lại. Fed được dự báo sẽ tăng lãi suất thêm 3 lần trong năm 2018, với lộ trình dần dần đưa lãi suất cơ bản về mức 3%. Do đó, tỷ giá USD/VND có thể điều chỉnh tăng khoảng 1,5-2% là khá hợp lý, tiếp tục tạo ra lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam”, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định.
Tại một báo cáo mới đây, MBS đánh giá, quan điểm điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có sự linh hoạt hơn. Tỷ giá sẽ không được neo cứng mà diễn biến linh hoạt hàng ngày và sẽ không có các diễn biến tăng giảm sốc như trong quá khứ. Định hướng của NHNN là sẽ điều hành tỷ giá theo sát diễn biến của kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế. Áp lực lên tỷ giá VND/USD trong năm 2018 sẽ cao hơn khi đồng USD đang có xu hướng tạo đáy và phục hồi trở lại nhờ chính sách bình thường hóa lãi suất của Fed được tiếp tục theo lộ trình. Bên cạnh đó, lạm phát của Việt Nam dự kiến sẽ cao hơn gây áp lực giảm giá cho VND.
NHNN vẫn giữ cân đối hai mục tiêu là ổn định tỷ giá VND/USD để ổn định vĩ mô và giảm giá nhẹ VND để hỗ trợ xuất khẩu. Nhờ dự trữ ngoại hối dồi dào do NHNN đã tích lũy USD trong năm 2016 và 2017 cộng thêm nguồn thu ngoại tệ dự kiến lớn từ các thương vụ IPO thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước diễn ra cuối 2017 và 2018, NHNN đủ dư địa để điều hành tỷ giá biến động nhẹ nhàng, hài hòa cả hai mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ khu vực xuất khẩu.
“Với áp lực gia tăng của USD ở mức vừa phải trong khi nguồn cung USD dồi dào, chúng tôi cho rằng tỷ giá VND/USD sẽ tăng khoảng 1% trong 2018”, Công ty Chứng khoán MB dự báo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.