(HNMO) - Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Nếu năm 2011 GDP của cả nước tăng 6,2%, lạm phát 18,13% thì năm 2015, GDP đạt trên 6,5% và lạm phát ở mức thấp trong khi nhu cầu trong nước về tiêu dùng và đầu tư tăng lên. Đó là bức tranh sáng sủa về chính sách vĩ mô”.
Thông tin trên được Phó Thống đốc nêu lên trong buổi hội thảo sáng 17/12 tại Hà Nội với nội dung “Hoạt động quản lý, điều hành chính sách tiền tệ giai đoạn 2011-2015 và những tác động đối với nền kinh tế”. Hội thảo do Báo Lao Động phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết hội thảo được tổ chức với mục tiêu đánh giá những đóng góp của chính sách tiền tệ tới nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua, cũng như chỉ ra những bài học kinh nghiệm và vấn đề đặt ra trong giai đoạn sắp tới để giúp công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN nói riêng và các chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ nói chung tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được và phối hợp với nhau ngày càng tốt hơn.
NHNN cũng đã xử lý dứt điểm 11 NH yếu kém
Tại hội thảo, nói về thực trạng điều hành chính sách tiền tệ giai đoạn 2011-2015, PGS. TS Đặng Ngọc Đức - Viện trưởng Viện Tài chính Ngân hàng đánh giá: Kinh tế Việt Nam trong 5 năm qua đã phải đối mặt và vượt qua rất nhiều những khó khăn xuất phát từ cả bên trong lẫn bên ngoài nền kinh tế. Đặc biệt, trong thời gian này, kinh tế trong nước bộc lộ nhiều bất ổn vĩ mô, lạm phát tăng cao, kinh tế tăng trưởng chậm lại, thị trường chứng khoán suy giảm mạnh, thị trường bất động sản “đóng băng”, cán cân thanh toán tổng thể thâm hụt, mặt bằng lãi suất cho vay ở mức cao, tỉ giá biến động và chịu nhiều sức ép, dự trữ ngoại hối nhà nước ở mức thấp, nhiều tổ chức tín dụng gặp khó khăn về thanh khoản, quản trị yếu kém, nợ xấu gia tăng ở mức báo động, an toàn hệ thống đáng lo ngại, kỷ luật - kỷ cương thị trường bị phá vỡ. Trong bối cảnh đó, NHNN đã chèo lái, điều chỉnh chính sách tiền tệ một cách hiệu quả, về cơ bản đã thực hiện được mục tiêu đề ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kinh tế Việt Nam nói chung, khu vực tài chính nói riêng.
TS Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh BDI cũng phân tích năng lực kinh tế của Việt Nam hiện nay thì năm 2015, chỉ số tăng trưỏng GDP đạt đỉnh quý II/2015. Trong khi chỉ số giá, chỉ số chứng khoán sụt, chỉ số TMI cũng có nguy cơ sụt. Các chuyên gia phân tích dù chứng khoán đi xuống nhưng đi xuống ngắn hạn và sẽ tiếp tục đi lên.
Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ đang đứng trước 3 thách thức. Thứ nhất, lãi suất trái phiếu chính phủ đang có xu hướng tăng lên. Thứ 2, chỉ số CPI đánh giá rủi ro của trái phiếu chính phủ cũng đang tăng đáng ngại. Các nhà đầu tư đang ngày càng lo ngại về nợ công của Việt Nam. Thứ ba là mối lo nợ xấu.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song NHNN buộc phải vừa tiến hành tái cấu trúc vừa phải đảm bảo, củng cố thanh khoản để lấy lại niềm tin của người gửi tiền, đồng thời xử lý ngay lập tức các NH yếu kém và xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa các NHTM nhằm chấn chỉnh quản trị rủi ro, chấn chỉnh kỷ cương - kỷ luật trên thị trường tài chính.
Nhìn lại kết quả đạt được, NHNN cũng đã xử lý dứt điểm 11 NH yếu kém, trong đó có 3 NH mua lại với giá 0 đồng, xử lý khoảng 10 chi nhánh NH nước ngoài hoạt động yếu kém trên lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời quyết liệt với tình trạng sở hữu chéo, cho vay “sân sau”, gây lũng đoạn hệ thống NH. Về xử lý nợ xấu, theo báo cáo gần nhất của NHNN, đã xử lý được 450 nghìn tỉ đồng nợ xấu, trong đó 58% xử lý bằng dự phòng rủi ro và thu hồi nợ của các NH, 42% được xử lý qua Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Về các động thái trên của NHNN, TS Nghĩa nhận định: Hành động của NHNN được áp dụng một cách nhuần nhuyễn, tránh được sự đổ vỡ của toàn hệ thống, phù hợp với thông lệ quốc tế, đó là khoanh nợ lại sau đó bán dần, vừa bán vừa tạo lập thị trường.
NHNN cần linh hoạt, minh bạch hóa thông tin điều hành chính sách
Phó Thống NHNN Nguyễn Thị Hồng nêu rõ: Phương châm của Thống đốc NHNN đã quán triệt là điều hành luôn hướng tới nâng cao vị thế của VND, không chủ quan với lạm phát. Điều hành công cụ kết hợp giữa tỉ giá và lãi suất theo hướng nắm giữ VND. Mở dụng tín dụng cần đi đôi với an toàn hiệu quả. Nước ta đang có tăng trưởng tín dụng cao nhất trong mấy năm trước. Tín dụng hướng vào sản xuất kinh doanh và ưu tiên.
Liên quan tới câu chuyện tỷ giá, Phó Thống đốc đồng thuận với đánh giá là tỉ giá trong thời gian vừa qua nhưng cho rằng tỷ giá tăng lên kịch trần là do diễn biến tâm lý dưới tác động của việc giảm giá liên tục của CYN và FED tăng lãi suất. NHNN có cơ sở để nhận định nếu xét cung cầu thì nhu cầu mua bán ngoại tệ bình thường, không có đột biến. Nhu cầu DN và người dân được tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời và đầy đủ. Về cung cầu ngoại tệ, tháng 10 xuất siêu 500 triệu USD, tháng 11 xuất siêu 260 triệu USD.
Tại hội thảo, TS Cấn Văn Lực đưa ra một số ý kiến đóng góp về định hướng và điều chỉnh chính sách trong năm 2016 và những năm tiếp theo. Dự đoán thị trường năm 2016, câu chuyện tỉ giá và lãi suất sẽ tiếp tục nóng. Bối cảnh 2016 sẽ rất phức tạp, dòng vốn dịch chuyển đa dạng và phức tạp. Do đó, chính sách tỉ giá cần được điều chỉnh theo hướng linh hoạt hơn nữa.
Theo ông Lực biên độ đang ở mức 3% là không nên nới rộng bởi "áo lùng thùng là không tốt" nhưng cần có điều chỉnh để linh hoạt. Về lãi suất, ông Lực đề xuất giảm đi một chút nhưng hiện chưa phải thời điểm thích hợp. NHNN có thể cân nhắc giảm khoảng 0,25%. Hiệp định TPP yêu cầu từ nay đến 2018, NHNN cần minh bạch hóa thông tin điều hành chính sách trước và sau khi điều hành.
Nhìn chung, tại hội thảo nhiều kiến nghị đã được đưa ra để NHNN tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt hơn nhằm ổn định giá trị đồng tiền, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tạo điều kiện nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ nguồn vốn trong nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững phù hợp các mục tiêu vĩ mô đề ra trong giai đoạn 2016 – 2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.