Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năm 2015: Ba thách thức lớn cho giáo dục nghề nghiệp

Minh Bắc| 09/07/2015 11:10

(HNMO) - Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có hiệu lực từ 1 tháng 7 năm 2015. Và nhờ đó sẽ tạo nên diện mạo mới cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức để giáo dục nghề nghiệp đáp ứng được nhu cầu của xã hội và yêu cầu hội nhập quốc tế...

Đảm bảo chất lượng đào tạo của các trường nghề trở nên một thách thức lớn. Ảnh: Minh Bắc



Thực hiện Luật GDNN là nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp cùng với giáo dục phổ thông, giáo dục đại học theo hướng đào tạo nguồn nhân lực thực sự đáp ứng trước đòi hỏi cấp bách cho việc xây dựng nền kinh tế nước ta, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam đang càng ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới.

Ba thách thức cho giáo dục nghề nghiệp

Nhìn chung, về đào tạo nghề hiện nay, có thể chỉ ra nhiều vấn đề bất cập đó là chương trình đào tạo nghề còn thiếu tính cập nhật, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu về kiến thức và kỹ năng thực hành cho thị trường lao động. Quy mô và chất lượng đào tạo nghề vẫn còn thấp, trình độ ngoại ngữ của người tốt nghiệp còn yếu. Nguồn đầu vào cho đào tạo nghề là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông chưa được phân luồng một cách khoa học và hợp lý…

Trong bối cảnh đó việc thực hiện Luật GDNN sẽ không ít thách thức. Thách thức đầu tiên là thống nhất hệ thống các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng nghề và các cơ sở dạy nghề thành một hệ thống gồm 3 trình độ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nhất là khi mùa tuyển sinh năm 2015 đang bắt đầu. Việc thống nhất này không phải là việc cộng ghép với nhau bởi nó còn liên quan đến cả chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo của từng cấp. Hệ thống trường nghề hiện có 190 trường cao đẳng, 300 trường trung cấp và 991 trung tâm dạy nghề cùng các cơ sở dạy nghề, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng… Và việc thống nhất các trường này thành một hệ thống nhất theo quy định của Luật đang làm các cơ quan quản lý lúng túng.

Thách thức thứ hai là việc tuyển sinh. Năm nay chỉ tiêu tuyển mới dạy nghề khoảng 2,15 triệu người, trong đó trung cấp nghề, cao đẳng nghề 250 ngàn người; sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng là 1,9 triệu người. Các trường dạy nghề làm sao giải được bài toán thu hút học sinh bằng tiêu chí nâng cao chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp? Và thách thức thứ ba là đổi mới chương trình đào tạo. Luật GDNN đòi hỏi thay đổi triết lý trong đào tạo, đó là đào tạo theo chuẩn đầu ra, trong đó chuẩn đầu ra chính là yêu cầu của người sử dụng lao động hay là yêu cầu của chính doanh nghiệp. Vì thế việc thiết kế chương trình đào tạo thế nào để có đầu ra đúng chuẩn cũng là một vấn đề mới. Theo luật, thì chương trình đào tạo hoàn toàn do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ xây dựng theo yêu cầu của doanh nghiệp. Đó là ba thách thức nếu không vượt qua ngành dạy nghề lại nằm trong tình trạng “bình mới rượu cũ”.

Giải quyết việc làm ngay sau khi tốt nghiệp

Yếu tố liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo sẽ đóng góp vào sự thành bại của các trường nghề, giúp ngành GDNN vượt qua các thách thức kể trên. Kinh nghiệm của nhiều trường trước đây đều cho thấy muốn nâng cao và thu hút được học sinh vào trường thì nhà trường cần có mối liên hệ khăng khít với doanh nghiệp, ký kết đào tạo với nhiều công ty và tập đoàn lớn vì đó chính là cam kết giải quyết việc làm cho học sinh ngay khi họ vừa tốt nghiệp… Nhưng đáng tiếc, Luật hiện vẫn chưa có những quy định cụ thể các doanh nghiệp phải tham gia vào đào tạo nghề như thế nào, làm những gì...

Với công tác tuyển sinh, mặc dù Luật GDNN có chiều hướng rất thuận lợi cho công tác tuyển sinh nhưng nếu các cấp chính quyền, các trường PTTH, THCS không tích cực giải quyết phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp vào học nghề một cách bài bản thì các cơ sở đào tạo nghề khó mà tuyển đủ học sinh. Theo thống kê thực tế hiện chỉ có khoảng 2,5 đến 3,5% số học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học nghề, tỷ lệ này thấp so với mục tiêu đề ra là năm 2020, phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề.

Hiện các sở giáo dục và đào tạo cùng các trường nghề đang tích cực phối hợp với các cấp chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào học nghề. Công tác truyền thông, tư vấn, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh THPT đã được chú ý hơn...Tuy nhiên, cũng còn chờ thời gian mới có kết quả còn trong năm 2015 thì vẫn khó cải thiện.

Tổng cục Dạy nghề đang tăng cường các giải pháp để hỗ trợ điều hành các cơ sở dạy nghề trong công tác tuyển sinh. Một số trường cũng đang chủ động đối với công tác tuyển sinh như Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, sẽ tăng quy mô tuyển sinh trong những năm tới, đồng thời mở thêm một số ngành nghề mới.

Để làm được điều này, từ năm 2015 trường tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, thiết bị, đặc biệt là mối quan hệ với doanh nghiệp. Một số trường cao đẳng lại đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên phải, đầu tư cơ sở vật chất của nhà trường, đổi mới cách dạy, phải làm sao cho học sinh chủ động, đổi mới kiểm tra, kiểm soát. xây dựng chương trình, giáo trình giảng dạy theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Hiện chương trình đào tạo, các trường dạy nghề ở cả ba cấp sơ, trung, cao đẳng cũng đang tập trung xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo theo chuẩn đầu ra. Tất nhiên việc thay đổi chương trình ra sao cho phù hợp với cả thầy, trò rồi đáp ứng được chuẩn đầu ra cũng không phải làm trong ngày một ngày hai…

Nói chung, Luật GDNN vừa tạo ra những cơ hội mới cho các trường nghề, người học nghề nhất là khi AEC đi vào hoạt động và lúc đó ASEAN sẽ là một thị trường lao động. Vì vậy, đảm bảo chất lượng đào tạo của các trường nghề trở nên một thách thức lớn...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Năm 2015: Ba thách thức lớn cho giáo dục nghề nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.