Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năm 2013: Hoàn thành việc cấp GCN quyền sử dụng đất

H.V| 13/06/2012 12:46

(HNMO) – Sáng 13/6, Quốc hội “khai màn” hơn 2 ngày chất vấn và trả lời chất vấn với phần đăng đàn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang và cũng liên quan tới vấn đề


Trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã tập trung làm rõ các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực đất đai, môi trường, biến đổi khí hậu và sử dụng tài nguyên nước, khoáng sản.

Năm nay: Giải quyết dứt điểm những vụ khiếu kiện đất đai kéo dài

Trước nhiều chất vấn của các đại biểu Nguyễn Thanh Sơn – Nam Định, Nguyễn Thị Kim Bé – Kiên Giang, Nguyễn Minh Lâm – Long An… xoay quanh việc quản lý và sử dụng đất đai, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thừa nhận, đất đai là lĩnh vực rất phức tạp, nhất là từ khi chúng ta thực hiện cơ chế thị trường, định hướng XHCN và kể từ khi có luật đất đai năm 2003, việc giải quyết các vấn đề đất đai càng trở nên phức tạp hơn.

Bộ trưởng cũng thừa nhận, đất đai là lĩnh vực chiếm đến 70% số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Theo Bộ trưởng, nguyên nhân gây khiếu kiện nhiều và kéo dài là do việc thực hiện tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở một số dự án chưa đảm bảo được dân chủ, công khai, bình đẳng trong thu hồi đất và việc tiến hành thu hồi cũng chưa được thực hiện kiên quyết; việc giải quyết mối quan hệ về lợi ích giữa Nhà nước, người bị thu hồi đất và nhà đầu tư; giá đất tính bồi thường thấp; chưa chú trọng có những quy định bắt buộc về xây khu tái định cư trước khi thu hồi và dạy nghề, tạo việc làm cho người bị thu hồi đất,; năng lực của cán bộ làm công tác này có hạn chế nhất định…

Tuy nhiên kể từ khi có Nghị định 69 của Chính phủ, công tác bồi thường GPMB đã có cải thiện đáng kể. Theo Bộ trưởng, ưu điểm lớn nhất là Nghị quyết đã giải quyết được tương đối cơ bản những vấn đề mà người dân đặt ra hiện nay: giá đất, bồi thường, hỗ trợ. Qua đó, quyền của người có đất bị thu hồi đã được cải thiện nhiều, người dân đã đồng tình hơn.

Liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai, Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ tham mưu CP giải quyết những đơn đã tồn tại tương đối lâu. Hiện còn 500 đơn tồn từ lâu và sẽ tập trung giải quyết dứt điểm những vụ này trong năm nay.

Làm rõ thêm, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, qua sơ kết 4 năm từ 2008-2011, bình quân hàng năm có khoảng 400.000 lượt người khiếu nại, tố cáo và các cấp nhận khoảng 160.000 lượt đơn thư. Trên cơ sở nhận đơn, xác minh, các cấp đã giải quyết được 88% số đơn thư khiếu nại và 84% đơn thư tố cáo. Riêng từ tháng 9-2011 đến nay, các cấp đã nhận trên 52.000 lượt đơn, so với cùng kỳ năm trước thì giảm cả 3 mặt: số lượt công dân, số lượt đoàn và số lượng đơn khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, tình hình khiếu nại tố cáo nổi lên phức tạp, ngày càng gay gắt, đông người, vượt cấp, có một số vụ dân sẵn sàng chống đối người thi hành công vụ, thậm chí đe dọa người tiếp nhận khiếu nại, tố cáo.

Theo Tổng thanh tra Chính phủ, trong 4 năm qua, các khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai chiếm 70% nhưng từ tháng 9/2011 đến nay đã tăng lên 79%, trong đó phần lớn liên quan đến bồi thường, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất (chiếm 50%); khiếu nại đòi đất cũ, tranh chấp trong nội bộ nhân dân qua các thời kỳ; đòi lại đất cho thuê, cho mượn…

Trước tình hình đó, cuối năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã tham mưu Chính phủ tổ chức các hội nghị đánh giá việc giải quyết khiếu nại tố cáo ở 3 vùng và toàn quốc. Qua rà soát, đến cuối năm 2011, còn 524 vụ thuộc thẩm quyền các tỉnh, thành và 380 vụ việc thuộc thẩm quyền Trung ương; có 55 tỉnh, thành có vụ việc tồn đọng, 8 tỉnh ko có.

Trên cơ sở chủ động rà soát, Chính phủ đã lập 18 tổ công tác để giải quyết và lên kế hoạch giải quyết các vụ việc này theo 2 đợt. Đợt 1 từ đầu tháng 6 đến 30/8 sẽ giải quyết tương đối các vụ việc này và đợt 2 từ tháng 9 đến cuối năm, giải quyết căn bản các vụ việc. Bước đầu, việc giải quyết có chuyển biến khá tốt và có những giải pháp tương đối phù hợp để giải quyết cả những vụ tồn đọng và phát sinh mới, trên tinh thần theo thẩm quyền các cấp và tại cơ sở để hạn chế khiếu kiện phát sinh mới. Đồng thời, Chính phủ cũng nghiên cứu điều chỉnh một số cơ chế chính sách cho phù hợp với việc quản lý đất đai.

Cũng liên quan đến việc giải quyết các tranh chấp về đất đai thuộc thẩm quyền, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình cho biết, trước đây, thẩm quyền giải quyết các vụ việc về đất đai của ngành tòa án rất hạn hẹp, nhưng từ sau khi có Bộ luật tố tụng hành chính, tòa án thụ lý nhiều vụ việc hơn. Tuy nhiên, Tòa án chủ yếu xử lý những vướng mắc về các loại đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tức là đất hợp pháp. Chánh án cho biết, ngành Tòa án và Bộ Tài nguyên Môi trường đã có hướng phối hợp thời gian tới, đề xuất sửa các văn bản luật để mở rộng hơn chức năng của Tòa án trong việc thụ lý giải quyết tranh chấp về các loại đất khác.

Không ‘trải thảm đỏ” bằng mọi giá

Một thực trạng nổi lên trong lĩnh vực sử dụng đất đai được nhiều đại biểu đề cập đó là bỏ hoang, lãng phí. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, từ năm 2010 về trước, kinh tế nước ta phát triển tương đối mạnh nên đất đai được huy động rất lớn. Cùng với những kết quả đã đạt được, có những dự án mà các nhà đầu tư do nhiều nguyên nhân đã không thực hiện được, để hoang hóa, lãng phí. Bộ đang tổng hợp tình hình ở các địa phương để tham mưu Chính phủ có biện pháp xử lý.


Cũng dưới góc độ mổ xẻ sự lãng phí, nhiều đại biểu đã chất vấn về việc quy hoạch và cấp phép, sử dụng các khu công nghiệp.

Theo Bộ trưởng, hiện cả nước có hơn 283 khu, trong đó hơn một nửa đã được đưa vào sử dụng. Bộ trưởng khẳng định, việc phát triển các khu công nghiệp là đòi hỏi bức bách của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, quá trình triển khai, kêu gọi đầu tư để lấp đầy các khu này cần có thời gian.

Bộ trưởng cũng cho biết, sở dĩ năm 2011 vẫn có các khu công nghiệp được tiếp tục xây mới bởi các khu này đã được quy hoạch, nằm trong quy hoạch, kế hoạch của địa phương nên “vẫn chấp nhận được”.

“Vấn đề là chúng ta phải xử lý tốt các nội dung trong đó: sớm lấp đầy diện tích các khu và đảm bảo hệ thống xử lý chất thải”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng khẳng định, quan điểm hiện nay của Chính phủ là không hi sinh môi trường vì mọi giá. Các khu công nghiệp hiện nay muốn triển khai hoạt động thì đều phải thực hiện nghiêm từ khâu thẩm định, đánh giá tác động môi trường, đảm bảo có khu xử lý chất, nước thải.

Về chất vấn của các đại biểu Lê Nam – Thanh Hóa, La Ngọc Thoáng – Cao Bằng rằng các địa phương “trải thảm đỏ” cho nhà đầu tư, còn trải thảm gai” cho người dân, Bộ trưởng cho biết, chủ trương “trải thảm đỏ” cho các nhà đầu tư là chủ trương lớn và hiện nay, chúng ta vẫn cần tiếp tục kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, chúng ta không “trải thảm” bằng mọi giá. Vừa qua, chúng ta đã có nhiều bài học khá rõ, giờ cần phải có quy định chặt chẽ hơn, làm sao để đất giao cho các nhà đầu tư được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thị Công – Bà Rịa Vũng Tàu về việc những dự án bị thu hồi đất mà chủ đầu tư đã thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước thì được giải quyết như thế nào, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang và Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, hiện pháp luật đã có quy định về vấn đề này và giải quyết như với trường hợp bị thu hồi khác. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, sắp tới, có lẽ cần rút kinh nghiệm và chỉnh sửa quy định này theo hướng sẽ không có bồi thường.

Đến 2013: Cơ bản cấp xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Một nội dung “nóng” khác được nhiều đại biểu quan tâm là tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trả lời chất vấn của các đại biểu Võ Kim Cự - Hà Tĩnh, Về cấp GCN sử dụng đất, Bộ có hứa 2010 cơ bản cấp xong. Chủ trương thể hiện quyết tâm của chúng ta nhưng kết quả hiện nay, với đất nông, lâm nghiệp và đất ở nông thôn tỷ lệ đã cấp đạt trên 85% > cơ bản. Còn 2 loại thấp là đất ở đô thị 63% và đất chuyên dùng 65%, thời gian tới cần tập trung. Nguyên nhân các trường hợp còn lại khó cấp giấy là do nguồn giấy tờ ko hợp lệ, nguồn gốc phức tạp, có vi phạm trong xây dựng công trình hoặc liên quan đến quy hoạch; hệ thống văn phòng đăng ký cấp giấy chứng nhận thiếu chuyên môn so với yêu cầu; kinh phí đo đạc lập bản đồ địa chính rất lớn, để cấp hết cần 30.000 tỷ nhưng mỗi năm, kể cả vay vốn nước ngoài chỉ được 1.000 tỷ; tập trung giải quyết những tồn tại cũ. Nếu cấp xong toàn bộ rất khó vì thực tế diễn biến rất phức tạp. Ko bao giờ có thể hoàn thành được mà chỉ giải quyết được những vấn đề cơ bản nhất. Phấn đấu 2015.

Tuy nhiên, thời hạn này không được Chủ tịch Quốc hội cho phép vì quá lâu và Chủ tịch yêu cầu, Chính phủ phải thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội. Tiếp thu ý kiến này, Bộ trưởng hứa sẽ cố gắng hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận trong năm 2013.

Về thời hạn sử dụng đất, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã nghiên cứu theo hướng mở rộng thời hạn sử dụng đất để người dân yên tâm sử dụng đất hiệu quả hơn, hướng là từ 30-50 năm, với đất nông nghiệp là khoảng 50 năm. Hạn mức chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp liên quan đến tích tụ ruộng theo hướng sản xuất lớn cũng sẽ được nâng cao lên, có thể gấp 5-10 lần mức hiện nay, tuy nhiên sẽ có sự điều chỉnh bằng thuế để việc tích tụ đất chủ yếu là phục vụ cho việc sử dụng chứ không phải để đầu cơ.

2020: Giải quyết được những vấn đề môi trường cơ bản

Tình trạng nước nguồn cạn kiệt, các lưu vực sông lớn và quan trọng bị ô nhiễm nặng nề… là quan tâm của các đại Nguyễn Minh Lâm – Long An, Bùi Thị An – Hà Nội, Lê Nam – Thanh Hóa…


Về sự cạn kiệt nguồn nước tại Tây Nguyên, Bộ trưởng cho biết, mực nước ngầm Tây Nguyên khá phức tạp, vùng này lại sản xuất công nghiệp khá lớn trong khi diện tích rừng suy giảm nên tất yếu ảnh hưởng đến việc giữ nước trong đất. Theo Bộ trưởng, không có cách gì khác là giữ rừng và trong quy hoạch phát triển cây công nghiệp phải cân đối với nguồn nước hiện có.

Về việc bảo vệ các lưu vực sông, Bộ trưởng cho biết, hiện có 3 vùng được quan tâm là Sông Cầu, Sông Nhuệ-Đáy, sông Đồng Nai. Chính phủ đã thành lập 3 ủy ban cho 3 lưu vực sông này để phối hợp liên tỉnh, đảm bảo sử dụng nước phù hợp, tiết kiệm, không gây ô nhiễm. Do 3 sông này liên quan lớn đến xả thải ở các đô thị, Bộ đã tham mưu, xây dựng các dự án xử lý nước thải. Trung bình mỗi lưu vực sông cần 3.000 tỷ đồng cho công tác này. Ngoài ngân sách Nhà nước, Bộ đang đề nghị các tổ chức quốc tế cùng hợp tác, làm sao để nước thải ra các sông đều được xử lý hết.

Chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Bùi Thị An tiếp tục “truy” về lộ trình, bao giờ thì người dân được sống quanh các dòng “sông xanh”. Thừa nhận đây là câu hỏi khó, Bộ trưởng cho biết, ngoài yếu tố nguồn lực đầu tư thì tình hình sẽ chỉ được cải thiện khi ý thức người dân và đặc biệt là doanh nghiệp đạt đến một mức nhất định. Bộ trưởng nói: “Theo lộ trình đến năm 2020, tôi không tin là những vấn đề cơ bản về môi trường không giải quyết được”.

Chiều nay, Quốc hội chuyển sang chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2013: Hoàn thành việc cấp GCN quyền sử dụng đất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.