(HNMO) – Dự kiến năm 2013, UBND TP Hà Nội sẽ cổ phần hóa 16 DN và bộ phận DN, sắp xếp 14 DN. Đáng chú ý, trong số DN phải sắp xếp có 3 DN bị phá sản là Công ty kỹ thuật Điện thông, Công ty SX CN xây lắp trực thuộc TCT Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị và Công ty ăn uống dịch vụ du lịch Sóc Sơn.
Theo báo cáo của Thường trực Ban đổi mới và PTDN TP Hà Nội: Trong năm 2012, tổng doanh thu thực hiện của các DN ước đạt 31.024 tỷ đồng, bằng 105% kế hoạch năm và bằng 93,4% so với năm 2011. Doanh thu bình quân 1 DN trên 256 tỷ đồng. Một số DN có doanh thu lớn hơn 2.000 tỷ đồng như: TCT Thương mại Hà Nội, TCT Vận tải Hà Nội, TCT Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị… Tuy nhiên, trong số 121 DN nộp báo cáo có 15 DN kinh doanh thua lỗ, với tổng lỗ phát sinh năm 2012 ước gần 56 tỷ đồng, giảm so với số lỗ năm 2011 là 263 tỷ đồng đồng.
Bên cạnh đó, tổng vốn nhà nước ước thực hiện tại thời điểm 31-12-2012 của 121 DN ước đạt 17.979 tỷ đồng, bằng 117% so với năm 2011. Vốn nhà nước bình quân 1 DN là 148 tỷ đồng. Số nộp ngân sách nhà nước bình quân 1 DN năm 2012 ước là 17 đồng.
Đáng chú ý, tổng số nợ phải trả đến 31-12-2012 của các DN ước là 22.126 tỷ đồng, bằng 123% vốn nhà nước tại các DN và bằng 58% so với tổng tài sản. Số dư nợ quá hạn đến cuối năm 2012 ước là 4.132 tỷ đồng, trong đó riêng Công ty mẹ TCT Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị (UDIC) có số nợ quá hạn lên đến 3.485 tỷ đồng. Để bù đắp nguồn vốn thiếu hụt trong SXKD bao gồm nhu cầu vốn ngắn hạn, vốn trung và dài hạn các DN đã phải huy động lượng vốn khá lớn, đồng thời chiếm dụng lẫn nhau trong khâu thanh toán cũng không nhỏ. Việc huy động vốn vay lớn làm hiệu quả kinh doanh không cao do chi phí lãi vay lớn.
Mặt khác, cùng với tài sản, vật tư kém mất phẩm chất, công nợ khó đòi cũng là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây tổn thất và làm thất thoát vốn ở các DN NN. Vì vậy, các DN phải thường xuyên theo dõi, đối chiếu công nợ, có kế hoạch xử lý các nợ cũ khó đòi. Theo thống kê, tổng số dư nợ phải thu đến cuối 2012 của các DN là hơn 9.703 tỷ đồng, thu khó đòi hơn 1.350 tỷ đồng.
Nhìn chung, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu so với các DN ngoài quốc doanh còn thấp, tính cạnh tranh chưa cao. Mặc dù nhà nước đã có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho các DN trong hoạt động SXKD, tạo điều kiện cho các DN xử lý dứt điểm những tồn tại cũ về tài chính, song các DN NN vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, đặc biệt là hàng hóa, sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được dẫn đến tồn kho lớn như các DN xây dựng, công nghiệp. Bộ máy cán bộ quản trị DN đã có sự chuyển biến nhưng chưa đồng đều, còn một vài DN vẫn mang tính hành chính…
Trong khi đó, thực tế, trong năm 2012, việc sắp xếp, đổi mới DN của Hà Nội thực hiện được ít, chỉ có 2 DN; trong đó cổ phần hóa 1 DN (Công ty TNHH 1TV 19/12 Hà Nội); sáp nhập 1 DN (Công ty TNHH 1TV Đầu tư Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội vào Công ty TNHH 1TV Công viên cây xanh Hà Nội). Nguyên nhân của việc sắp xếp, đổi mới được ít được Ban đổi mới và PTDN TP Hà Nội lý giải là do tuy đã trình Chính phủ từ đầu năm 2012 nhưng đến ngày 29-12-2012 Thủ tướng Chính phủ mới ban hành văn bản số 2252/TTg-ĐMDN phê duyệt kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc UBND TP Hà Nội giai đoạn 2012- 2015.
Ngoài ra, về vấn đề tái cơ cấu DN NN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và các tổng công ty, Ban đổi mới và PTDN TP Hà Nội cho biết: Hiện có 5 TCT có đề án gửi cho Thường trực Ban. Ban đang thẩm định, sau đó gửi cho các sở, ngành để lấy ý kiến rồi trình UBND TP phê duyệt. Nhìn chung việc thực hiện tái cơ cấu này đang bị chậm.
Năm 2012, Hapro có doanh thu gần 2.500 tỷ đồng dẫn đầu trong các DN có doanh thu lớn của Hà Nội. |
Theo Thường trực Ban đổi mới và PTDN TP Hà Nội: Căn cứ tình hình thực tế và kế hoạch xây dựng đã được Chính phủ phê duyệt, Sở Tài chính dự kiến năm 2013, UBND TP sẽ triển khai sắp xếp 30 DN và bộ phận DN, trong đó: cổ phần hóa 16 DN và bộ phận DN, sắp xếp 14 DN (bán 2 DN, sáp nhập 1 DN và 7 đơn vị sự nghiệp, chuyển 1 DN sang đơn vị sự nghiệp và cho phá sản 3 DN). 3 DN bị phá sản là Công ty kỹ thuật Điện thông, Công ty SX CN xây lắp trực thuộc TCT Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị, Công ty ăn uống dịch vụ du lịch Sóc Sơn.
Tiếp đó, trong năm 2013 cũng sẽ điều chỉnh một số nội dung của Quy trình thành lập mới, tổ chức lại, giải thể phá sản DN 100% vốn nhà nước thuộc UBND TP cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Các sở ngành đôn đốc DN và các đơn vị tư vấn triển khai thực hiện cổ phần hóa theo đúng quy định; giải quyết những tồn tại, vướng mắc và xử lý tài chính hậu cổ phần hóa DN.
Tại cuộc họp, sau khi nghe ý kiến tham luận của các đại biểu, sở, ngành, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng nhận định: Trong năm 2011- 2012, công tác cổ phần hóa trầm lắng, làm không đạt yêu cầu vì đề án chưa được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, trong năm 2013, TP sẽ làm quyết liệt, tạo chuyển biến trong công tác đổi mới sắp xếp DN, nâng cao sức cạnh tranh. Các DNNN vốn nhỏ, công nghệ lạc hậu… cần cổ phần hóa để huy động vốn, phát triển. Nay các DN lại có biểu hiện lệch lạc như đầu tư ngoài ngành, hiệu quả SXKD của các tập đoàn kinh tế kém nên cần tái cơ cấu lại.
Mặt khác, Phó Chủ tịch chỉ đạo vào ngày 15-3-2013, TP sẽ tổ chức hội nghị để triển khai kế hoạch, đồng thời quán triệt, tuyên truyền phổ biến chủ trương chính sách mới của nhà nước về sắp xếp, cổ phần hóa cho cán bộ và những người liên quan của sở, ngành, TCT, DN 100% vốn của NN thực hiện; nâng cao nhận thức, tạo điều kiện để triển khai tốt công việc sắp xếp, cổ phần hóa.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch yêu cầu Ban đổi mới và PTDN TP Hà Nội hoàn chỉnh kế hoạch, phân công cho chính xác các đầu mối thực hiện. Bổ sung việc thành lập Công ty kinh doanh vốn nhà nước vào phần kế hoạch thực hiện. Trong quý I-2013, phấn đấu hoàn thành xong đề án sáp nhập 5 xí nghiệp môi trường đô thị Gia Lâm, Từ Liêm, Thanh Trì, Sóc Sơn, Đông Anh vào Công ty TNHH 1TV XNK và Đầu tư Xây dựng Hà Nội; sáp nhập Công ty TNHH 1 TV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội (thuộc TCT Du lịch Hà Nội) vào Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.