Ngày 10-9 (giờ Mỹ), Tổng thống Joe Biden nói rằng Mỹ có thể đang tiến tới dỡ bỏ lệnh cấm Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa trong cuộc chiến với Liên bang Nga.
Theo đài Voice of America, trước đây, Mỹ đã kiên quyết không cung cấp hoặc không cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, vì lo ngại làm leo thang xung đột.
Một số đồng minh của Ukraine đã cung cấp cho nước này vũ khí tầm xa, nhưng các quốc gia đó cũng áp đặt các lệnh cấm liên quan cách thức và thời điểm sử dụng vũ khí.
Khi được hỏi liệu Mỹ có dỡ bỏ các lệnh cấm Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa chống Nga hay không, ông Biden nói chính quyền của ông đang xem xét điều này.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng nói trong một cuộc phỏng vấn với Sky News rằng Mỹ có thể thay đổi lập trường về việc cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ở Nga.
Ông Blinken nói: “Chúng tôi không bao giờ loại trừ điều gì. Nhưng khi chúng tôi đồng ý, chúng tôi muốn đảm bảo rằng điều đó được thực hiện theo cách giúp Ukraine nhanh chóng đạt mục tiêu”.
Theo Reuters, tuần trước, Mỹ đang tìm cách đạt được thỏa thuận cung cấp cho Ukraine những gì nước này cần trong cuộc chiến với Nga, nhưng để đạt được thỏa thuận về tất cả các vấn đề trong việc cung cấp vũ khí sẽ mất vài tháng.
Ngày 10-9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong bài phát biểu hàng ngày: “Ưu tiên tuyệt đối của Ukraine là hòa bình. Mỗi tên lửa, mỗi thiết bị bay không người lái, mọi động thái thù địch, mọi nỗ lực kéo dài và làm cuộc chiến này thêm tàn khốc sẽ bị thế giới đáp trả”.
Ông nói Ukraine sẽ thuyết phục thế giới thống nhất quan điểm, bất kể điều đó khó khăn thế nào.
Về phần mình, ngày 11-9, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin tuyên bố nước này sẽ coi Mỹ cùng các đồng minh là các bên tham chiến ở Ukraine, khẳng định Mátxcơva sẽ dùng vũ khí mạnh hơn nếu phương Tây cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Nga. Trên mạng xã hội Telegram, ông Volodin nhấn mạnh: “Mỹ và các quốc gia châu Âu khác đang trở thành các bên tham chiến ở Ukraine”.
Cùng ngày, quân đội Nga đã phá hủy 144 thiết bị bay không người lái của Ukraine được phóng trong các cuộc tấn công trong đêm nhằm vào các khu vực trên khắp miền Tây Liên bang Nga.
Phòng không đã bắn hạ 20 thiết bị bay không người lái trên khu vực Mátxcơva. Thống đốc Andrey Vorobyov cho biết thiết bị bay không người lái đã làm hư hỏng các tòa nhà chung cư và nhà cửa ở Lyubertsy và Ramenskoye. Vụ tấn công đã khiến ít nhất một người thiệt mạng và ba người bị thương.
Hầu hết các vụ đánh chặn diễn ra trên khu vực Bryansk dọc theo biên giới Nga - Ukraine, nhưng các quan chức ở đó nói rằng không có thiệt hại hay thương vong nào sau khi 72 thiết bị bay không người lái bị bắn hạ.
Phòng không Nga cũng bắn hạ thiết bị bay không người lái của Ukraine trên các khu vực Kursk, Tula, Belgorod, Kaluga, Voronezh, Lipetsk và Oryol. Các thống đốc ở hầu hết các khu vực này thông báo trên Telegram rằng không có báo cáo nào về thương vong.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ukraine đã triệu tập đại biện lâm thời của Iran Shahriar Amouzegar để phản đối khả năng Iran cung cấp tên lửa đạn đạo cho Nga.
Bộ này cho biết trên Telegram rằng họ đã cảnh báo gay gắt ông Amouzegar, rằng nếu đúng là Iran chuyển tên lửa cho Nga thì quan hệ song phương giữa Ukraine và Iran sẽ chiu hậu quả tàn khốc và không thể khắc phục.
Tuần trước, Nhà Trắng lo ngại trước các thông tin chưa được xác nhận từ phương Tây về việc Iran gần đây đã chuyển hoặc sắp chuyển tên lửa cho Nga.
Điện Kremlin đã bác bỏ các thông tin trên. Các quan chức Iran cũng đã phủ nhận cung cấp tên lửa cho Nga.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.