Thế giới

Bom mìn gây thiệt hại cho Ukraine 11 tỷ USD mỗi năm

Kim Phượng 11/09/2024 - 07:23

Theo một báo cáo kêu gọi các biện pháp tiếp cận mới đối với viện trợ và rà phá bom mìn, Ukraine mất hơn 11 tỷ USD mỗi năm do các bãi mìn được rải kể từ cuộc xung đột với Nga.

screenshot_20240911_024124_messenger.jpg
Biển báo nguy hiểm về mìn được chụp gần con đường chính đến Kherson, Ukraine. Ảnh: Reuters

Theo ước tính của Liên hợp quốc và Chính phủ Ukraine, cuộc xung đột đã biến Ukraine thành quốc gia có nhiều mìn nhất thế giới. Báo cáo của Bộ Kinh tế Ukraine và Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (TBI) cho biết, số lượng lớn bom mìn đang thách thức nền kinh tế Ukraine và quá trình phục hồi sau chiến tranh, đồng thời góp phần gây ra tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu.

Báo cáo cho thấy ở mức độ hiện tại, bom mìn và vật liệu nổ đã làm giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ukraine 11,2 tỷ USD mỗi năm - tương đương khoảng 5,6% tài sản quốc gia tính theo GDP vào năm 2021.

Nền kinh tế Ukraine đã suy giảm khoảng 1/3 trong năm đầu tiên của cuộc chiến, mặc dù đã tăng trưởng trở lại vào năm 2023 và 2024, các nhà kinh tế ước tính GDP của nước này vẫn nhỏ hơn so với trước khi xung đột bùng phát năm 2022.

Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là vùng Kharkiv, Sumy, Chernihiv và Mykolayiv. Sản phẩm nông nghiệp là mặt hàng xuất khẩu chính của Ukraine và là nguồn thu ngoại tệ quan trọng. Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp cho thấy khoảng 2,5% đất canh tác đã không được sử dụng.

Thủ tướng Denys Shmyhal cho biết, trước cuộc xung đột, Kiev không có một xe rà phá bom mìn nào. Nhưng giờ đây, nước này đã có tới 100 xe và chính phủ đang hướng tới mục tiêu có ít nhất 200 xe và 10.000 lính công binh để có thể rà phá bom mìn trong 5 năm tới.

Ngân hàng Thế giới ước tính cần khoảng 34,6 tỷ USD để rà phá bom mìn an toàn ở Ukraine.

Trong diễn biến liên quan ngày 10-9, Anh, Pháp, Đức cho biết đã áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với Iran sau khi Washington xác nhận các báo cáo trước đó của giới truyền thông rằng Nga đã nhận được các lô hàng tên lửa đạn đạo của Iran.

Anh, Pháp và Đức cho biết việc xác nhận giao hàng đánh dấu "sự leo thang hơn nữa trong việc hỗ trợ quân sự của Iran cho cuộc xung đột Nga - Ukraine". Ba nước sẽ "thực hiện các bước ngay lập tức để hủy bỏ các thỏa thuận dịch vụ hàng không song phương với Iran" và hướng tới việc trừng phạt Iran Air, hãng hàng không quốc gia của nước này. Các thực thể và cá nhân liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và việc chuyển giao tên lửa đạn đạo cùng các loại vũ khí khác cho Nga cũng sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt.

Vương quốc Anh cũng đã nêu chi tiết những cá nhân và tổ chức Iran bị cả London và Washington trừng phạt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bom mìn gây thiệt hại cho Ukraine 11 tỷ USD mỗi năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.