(HNM) - Trái với suy đoán của các nhà phân tích khi cho rằng, thời tiết khắc nghiệt của mùa đông năm trước sẽ làm suy giảm chi tiêu của nền kinh tế Mỹ trong quý I năm nay...
Bước sang quý II của năm 2014, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực. Thông báo ngày 17-4 của Bộ Lao động Mỹ cho biết, trong tuần đầu tháng 4, số công nhân lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuy tăng 2.000 người, nhưng vẫn ở mức thấp nhất trong vòng 6 năm rưỡi qua. Tổng số việc làm mới trong hai tháng 2 và 3 trung bình là 195.000, góp phần giữ tỷ lệ thất nghiệp trên toàn nước Mỹ vẫn ở mức 6,7%, thấp nhất trong vòng gần 5 năm qua. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức hai con số nhưng nhiều người Mỹ đã có lý do để lạc quan về tìm kiếm việc làm.
Thị trường lao động Mỹ đã có dấu hiệu cải thiện tích cực trong quý II-2014. |
Cùng thời điểm này, Ngân hàng Dự trữ liên bang ở thành phố Philadelphia, bang Pensylvania cho biết, chỉ số hoạt động của các doanh nghiệp Mỹ trong tháng 4 là 16,6%, tăng gần gấp đôi so với 9% hồi tháng trước. Đây là chỉ số cao nhất của các doanh nghiệp Mỹ trong 7 tháng qua, cao hơn cả mức dự báo 10% trước đó của các chuyên gia. Trong khi đó, Hiệp hội Quốc gia về kinh doanh dự đoán, nền kinh tế số 1 thế giới sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm nay, cao hơn mức mờ nhạt là 1,9% trong năm 2013. Nếu dự báo này chính xác, năm 2014 nền kinh tế của Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2005.
Rõ ràng, việc Quốc hội đã đạt được thỏa thuận về ngân sách và một thỏa thuận để nâng giới hạn vay của Chính phủ, khiến các công ty giờ đây đã chắc chắn hơn về các chính sách tài chính liên bang. Các nền kinh tế nước ngoài, nhất là Châu Âu có dấu hiệu được cải thiện cũng đã hỗ trợ nền kinh tế Mỹ. Dẫu vậy, những sự kiện bất ngờ xảy ra như cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine đã làm dấy lên lo ngại rằng, mọi việc có thể sẽ đảo chiều. Tuy nhiên, các nhà kinh tế kỳ vọng mâu thuẫn Nga-Mỹ trong cuộc khủng hoảng Ukraine, hoặc sự cắt giảm chương trình kích thích kinh tế của Fed sẽ không gây bất ổn với thị trường toàn cầu hoặc làm chệch hướng sự phục hồi của kinh tế Mỹ. Bên cạnh đó, gần 5 năm sau khi suy thoái kết thúc, tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng như tỷ lệ thất nghiệp vẫn chưa đạt bước bứt phá. Trong khi đó, uy tín của Tổng thống Barack Obama đã giảm trong các cuộc thăm dò ý kiến gần đây. Thế nên, sắp tới Chính phủ Mỹ sẽ thực hiện một chương trình nghị sự tập trung nhằm giảm thâm hụt tài chính và cải thiện thị trường bất động sản để thúc đẩy nền kinh tế. Chủ tịch Hội đồng kinh tế Nhà Trắng Jason Furnam, cho biết, việc đẩy mạnh sản xuất năng lượng, giảm chi phí y tế và tăng cường tiến bộ khoa học - công nghệ cũng sẽ giúp nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn. Đồng thời, nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, Tổng thống B.Obama đã đề nghị Quốc hội tăng mức lương tối thiểu lên 10,10 USD/giờ và hỗ trợ tài chính nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn.
Như vậy, dù tăng trưởng còn ở mức "từ khiêm tốn đến vừa phải" như nhận định của Fed thì, nền kinh tế Mỹ xem ra đang sẵn sàng cho một năm bứt phá với tăng trưởng ở mức cao nhất trong gần một thập kỷ qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.