Mỹ, Nga đều là thành viên thường trực có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, song có quan điểm đối lập về việc mở rộng trừng phạt để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10-12 đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và hối thúc Moscow hỗ trợ đảm bảo quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Cuộc gặp trên diễn ra một ngày trước khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến nhóm họp để thảo luận về các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên và khả năng Bình Nhưỡng tiếp tục có hành động khiêu kích.
Thông báo của Nhà Trắng có đoạn: "Tổng thống Mỹ hối thúc Nga ủng hộ các nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân và đảm bảo quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên".
Mỹ và Nga đều là thành viên thường trực có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, song có quan điểm đối lập về việc mở rộng trừng phạt để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Các nhà phân tích cho rằng Triều Tiên có thể đẩy mạnh hợp tác với Nga và Trung Quốc, nếu Mỹ không thể hiện được tính linh hoạt trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Bình Nhưỡng và Washington vào cuối năm nay.
Trong khi đó, liên quan đến chương trình tên lửa của Triều Tiên, ông Michael Elleman, một chuyên gia cấp cao về phòng thủ tên lửa tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) ngày 10-12 cho rằng "thử nghiệm rất quan trọng" mà Triều Tiên tiến hành hồi cuối tuần qua có khả năng liên quan đến một động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng hiện nay, chứ không phải là động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn.
Trong bài phân tích đăng trên trang web "38 North" (38 độ Bắc) chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên, ông Elleman nhấn mạnh rằng không có động cơ nhiên liệu rắn nào từng được thử nghiệm tại bãi phóng Sohae.
Chuyên gia này viết: "Bệ thử nghiệm động cơ thẳng đứng tại bãi Sohae... dường như được thiết kế chỉ cho các động cơ nhiên liệu lỏng, vốn nhẹ hơn nhiều so với các động cơ nhiên liệu rắn", đồng thời viện dẫn các bức ảnh về các vụ thử trước đây của động cơ RD-250 cho tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) Hwasong-12 và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14 và 15.
Ông Elleman giải thích rằng chất nổ đẩy dùng cho động cơ sử dụng nhiên liệu lỏng thường được lưu trữ trong các bể chứa có kích thước lớn gần bệ thử, nên bệ thử chỉ phải chịu lực đẩy do động cơ tạo ra trong quá trình thử nghiệm. Mặt khác, các động cơ sử dụng nhiên liệu rắn giữ chất nổ đẩy bên trong, do đó đòi hỏi bệ phóng thử phải chịu được sức nặng của toàn bộ động cơ.
Cuối cùng, ông Elleman gợi ý khả năng Triều Tiên đã thử nghiệm một biến thể của động cơ RD-250, vốn sẽ được sử dụng cho các IRBM và ICBM của nước này. Ông cũng để ngỏ khả năng Triều Tiên đã thiết kế được một động cơ mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.