Thế giới

Ngoại trưởng Nga nêu “đề xuất” cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Nguyễn Thúc Hoàng Linh 20/10/2024 - 19:37

Ngày 20-10, TASS dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, Brazil, Ấn Độ và các nước châu Phi nên trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm tăng cường tính toàn diện và công bằng của tổ chức này.

sergei_1.jpg
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: TASS

Chia sẻ trong buổi phỏng vấn cùng ngày, người đứng đầu ngành ngoại giao Nga nhấn mạnh: "Các quốc gia như: Ấn Độ, Brazil, cũng như đại diện của châu Phi lẽ ra phải có mặt thường trực trong Hội đồng Bảo an từ lâu. Điều này là cần thiết để bảo đảm tính đại diện, và tính đại diện của đa số toàn cầu".

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin cũng nêu rõ, Mátxcơva rất quan tâm tới nỗ lực cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việc mở rộng cơ quan này chỉ với các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) là “không thể chấp nhận được”.

Trước đó, Brazil từ lâu đã bày tỏ ý định trở thành thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Theo Đại sứ Brazil tại Nga, Rodrigo de Lima Baena Soares, đây là thời điểm thích hợp để quốc gia Nam Mỹ này đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc định hình các quyết sách toàn cầu, đặc biệt là với sự ủng hộ của Nga. Quan chức ngoại giao này nhấn mạnh, đã đến lúc các quốc gia Nam bán cầu, trong đó có Brazil, cần được đại diện tốt hơn tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để phản ánh đúng tầm quan trọng và vai trò của họ trong các vấn đề quốc tế.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, dù có sự ủng hộ từ Nga và một số quốc gia khác, quá trình để Brazil trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không phải là điều dễ dàng.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hiện tại có 5 thành viên thường trực, bao gồm: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, và Anh - tất cả đều có quyền phủ quyết. Để mở rộng số lượng thành viên thường trực, cần có sự đồng thuận từ tất cả thành viên hiện tại, điều này tạo ra một rào cản lớn.

Ngoài ra, còn có các vấn đề liên quan đến địa chính trị. Một số quốc gia như Đức và Nhật Bản cũng đã đưa ra yêu cầu tương tự để gia nhập Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với tư cách là thành viên thường trực. Tuy nhiên, Nga hiện tại không ưu tiên ủng hộ hai quốc gia này, dựa trên quan điểm họ thường đại diện cho các lập trường gắn liền với Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngoại trưởng Nga nêu “đề xuất” cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.