(HNM) - Hành trình 5 năm đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Mỹ - Hàn Quốc đã bước vào giai đoạn hoàn tất sau rất nhiều trở ngại chính trị từ cả hai phía. Hơn 1 tháng kể từ khi Mỹ phê chuẩn văn bản này, ngày 12-10, Tổng thống Hàn Quốc Lee Muyng-bak đã ký thông qua 14 dự luật cần thiết để thực thi bản hiệp định từng vấp phải những phản ứng gay gắt từ phe đối lập và một bộ phận dư luận xứ Kim Chi.
Gần một tuần trước đó, Quốc hội Hàn Quốc đã chứng kiến cảnh hỗn loạn khi một nghị sĩ dùng lựu đạn cay để biểu thị sự phản đối quyết liệt trong phiên bỏ phiếu phê chuẩn FTA theo yêu cầu của đảng Đại Dân tộc cầm quyền. Mặc dù hiệp định mà Hàn Quốc đặt nhiều kỳ vọng cuối cùng vẫn nhận được kết quả mỹ mãn với 151 phiếu thuận so với 7 phiếu chống, nhưng cuộc ẩu đả nơi nghị trường cũng như làn sóng biểu tình của 1.000 người ở thủ đô Seoul trong nhiều ngày qua đã ít nhiều cho thấy, nội bộ Hàn Quốc đã có những tiếng nói khác nhau quanh vấn đề này.
Xe hơi Hàn Quốc sẽ có thị phần lớn hơn tại Mỹ sau khi thực thi FTA. |
Không chỉ chính phủ đương nhiệm của Tổng thống Lee Muyng-bak mà người tiền nhiệm Roh Moo-hyun đã ấp ủ hiệp định được xem là sẽ mở rộng cánh cửa vào Mỹ, thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới cho hàng hóa xứ Kim Chi. Trong bối cảnh triển vọng xuất khẩu của Hàn Quốc đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự u ám của nền kinh tế toàn cầu và cạnh tranh mạnh mẽ từ Trung Quốc, những người ủng hộ FTA, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế lớn, tin tưởng việc thông quan với Mỹ chắc chắn sẽ là chìa khóa cải thiện sự trì trệ của lĩnh vực xuất khẩu và tạo cú hích cho thị trường lao động nước này. Với mức thuế nhiều mặt hàng lập tức được hạ thấp, sự bùng nổ của hàng hóa Hàn Quốc sang Mỹ, đặc biệt là những sản phẩm chế tạo mà quốc gia Đông Bắc Á có thế mạnh như hàng điện tử, máy tính xách tay, điện thoại di động… là điều được dự báo. Những tập đoàn sản xuất xe hơi hàng đầu Hàn Quốc cũng đang đầy phấn khích với niềm tin thị phần tương đối lớn, lên đến gần 8% của ô tô xứ Hàn với nhiều nhà máy đã đặt trên nước Mỹ sẽ gia tăng đáng kể tại thị trường xe hơi lớn nhất hành tinh khi lộ trình giảm thuế trong 3 năm sẽ được kích hoạt cùng với việc FTA có hiệu lực vào tháng 1-2012.
Song, những lợi ích có thể nhìn thấy ngay tức khắc này chỉ là một phần trong những gì Hàn Quốc nhận được sau cái bắt tay thương mại với Mỹ. Có khả năng mở rộng hơn các dịch vụ và đầu tư nước ngoài, tăng tính minh bạch trong các quy tắc, điều lệ… đã được nhìn nhận là những cái được lâu dài, căn bản và cực kỳ cần thiết cho nền kinh tế lớn thứ tư châu Á. Tham gia vào sân chơi mới, tính hiệu quả của doanh nghiệp Hàn Quốc được gia tăng sẽ kéo theo việc nâng cao tính cạnh tranh của nước này trên phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, trong khi văn bản cho phép bỏ dần các hàng rào thuế quan giữa hai nước được xem là tin vui với ngành công nghiệp và xuất khẩu thì những người phản đối cho rằng hiệp định sẽ làm hại kế sinh nhai của những người nông dân, doanh nghiệp nhỏ của nước này do sự cạnh tranh gay gắt của hàng hóa giá rẻ hơn từ Mỹ. Dù thất bại trong đề nghị giảm 40% thuế đánh vào thịt bò nhập khẩu Mỹ do sự phản đối mạnh mẽ của các nhà cung cấp thịt bò Hàn Quốc, nhưng với cam kết giảm thuế về 0% đối với 2/3 hàng nông sản, lĩnh vực nông nghiệp vốn là một lợi thế của Mỹ chắc chắn sẽ "trúng đậm" với sự xuất hiện nhiều hơn ở quốc gia bên kia bờ Thái Bình Dương thời hậu FTA.
Là hiệp định thương mại lớn nhất của Mỹ kể từ sau Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có hiệu lực hồi tháng 1-1994, việc hợp tác với Hàn Quốc dự báo có thể nâng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ thêm gần 12 tỷ USD/năm. Đây quả thực là con số hấp dẫn khi nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa bình phục sau những thương tổn từ cơn bão tài chính toàn cầu. Mặc dù vậy, quan trọng hơn, nguồn lợi nhuận về tài chính này sẽ là cầu nối hiệu quả củng cố sự hiện diện tại khu vực Đông Bắc Á và châu Á - Thái Bình Dương đang bị chi phối bởi sự lớn mạnh của Trung Quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.