(HNM) - Mạng lưới tuyến buýt hiện đã vươn tới 30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô. Mục tiêu trong năm 2019 sẽ phát triển các tuyến buýt gom nhằm tăng tính kết nối các khu đô thị, khu vực đông dân cư nhưng đường phố hẹp; chuẩn bị các phương án khi tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông đi vào khai thác...
- Là đơn vị chủ lực trong phát triển vận tải hành khách công cộng của Thủ đô, trong năm 2018, Transerco đã làm được gì, thưa ông?
- Trong điều kiện khó khăn về kinh phí hoạt động, các chi phí đầu vào tiếp tục gia tăng, Tổng công ty đã ưu tiên dồn toàn bộ nguồn lực thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển xe buýt theo chỉ đạo của thành phố. Trong năm qua, Transerco mở thêm 7 tuyến xe buýt, hoàn thành việc đầu tư mới 176 phương tiện tiêu chuẩn khí thải EURO 4 thay thế phương tiện cũ và phục vụ kế hoạch mở các tuyến mới; tiên phong đầu tư khai thác xe buýt 2 tầng, thí điểm vé xe buýt thông minh…
Nhờ vậy, mạng lưới xe buýt của Hà Nội ngày càng hoàn thiện tính kết nối và được mở rộng. Chất lượng dịch vụ xe buýt đang được kiểm soát tốt và chuyển biến theo hướng tích cực, đồng thời góp phần phát triển dịch vụ du lịch của thành phố. Sản lượng vé tháng (khách đi thường xuyên) đã tăng 6,2% so với năm 2017.
- Ông có thể chia sẻ về những mục tiêu trong năm 2019 của Tổng công ty nhằm thực hiện Đề án nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển xe buýt giai đoạn 2016-2020 của thành phố?
- Trong 3 năm qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố và sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, cũng như nỗ lực của Transerco, mạng lưới tuyến buýt đã vươn tới 30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô. Năm nay, Transerco tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để mở thêm các tuyến buýt mới; phối hợp với cơ quan quản lý sắp xếp, tối ưu hóa luồng tuyến, tần suất khi tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông đi vào khai thác thương mại.
Đi đôi với phát triển xe buýt là bảo đảm kiểm soát tốt chất lượng dịch vụ. Các đơn vị duy trì biện pháp tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm, nhất là về thái độ phục vụ, kỷ luật chạy xe và chấp hành Luật Giao thông đường bộ; tiếp tục ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm hỗ trợ, nâng cao hiệu quả quản lý điều hành...
- Theo kế hoạch, trong năm nay, thành phố sẽ thí điểm loại hình minibus (xe buýt nhỏ) nhằm tăng tính kết nối và hoàn thiện mạng lưới. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Tôi cho rằng, đến thời điểm này, mục tiêu phủ mạng đã được đáp ứng. Giai đoạn tiếp theo là cần hoàn thiện mạng lưới và tăng tính kết nối. Chúng ta phải có phương tiện để vào được các khu vực đông dân cư và các tuyến đường nhỏ có mặt cắt dưới 5-6m, như các tuyến phố Bùi Xương Trạch, Khương Trung, Hạ Đình... và các khu đô thị để đưa khách ra các tuyến trục chính mà xe buýt cỡ lớn đang hoạt động.
Do đó, minibus có nhiệm vụ trung chuyển, kết nối. Để hoạt động hiệu quả, ngoài hạ tầng, sự kết nối mạng thì giá vé cho minibus cũng phải được tính toán phù hợp để người dân thấy được lợi ích so với việc lựa chọn các phương tiện khác. Giá vé phải đủ sức cạnh tranh, nhất là với xe “ôm”. Các tuyến chính nếu muốn tăng được lượng khách thì phải có minibus gom khách. Minibus khi phát huy hiệu quả sẽ góp phần hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
- Trong năm nay, tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông sẽ đi vào khai thác; vậy Tổng công ty đã sẵn sàng phương án điều chỉnh các tuyến buýt?
- Dự kiến trong quý II-2019, tuyến đường sắt 2A Cát Linh - Hà Đông sẽ đưa vào khai thác, hệ thống xe buýt của Thủ đô cũng sẽ phải điều chỉnh để hợp lý hóa tổng thể luồng tuyến. Mục tiêu là phải điều chỉnh để xe buýt có nhiệm vụ gom và cung cấp khách cho tuyến đường sắt đô thị. Phương án điều chỉnh như thế nào vẫn đang được các sở, ngành liên quan của thành phố nghiên cứu, xem xét.
Trên cơ sở quyết định của thành phố, Tổng công ty sẽ triển khai thực hiện. Trên trục này hiện có rất nhiều tuyến buýt và việc điều chỉnh nên diễn ra từ từ để hành khách dần thích nghi. Bởi, cuối cùng quan trọng nhất vẫn là tổng lượng khách của đường sắt đô thị, cộng với xe buýt phải tăng lên và hai loại hình này hỗ trợ hiệu quả cho nhau để tăng năng lực hoạt động chứ không chỉ là chia sẻ hành khách từ xe buýt sang đường sắt đô thị.
- Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất mạnh mẽ, Transerco sẽ làm gì nhằm ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ?
- Ngay từ những giai đoạn đầu hoạt động xe buýt, Tổng công ty đã rất quan tâm tới việc phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và điều hành. Thời gian gần đây, với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Transerco đã liên tục nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới.
Cụ thể, đã đầu tư nâng cấp Trung tâm Quản lý và điều hành xe buýt thông minh. Với trung tâm này, công tác điều hành đã hiệu quả hơn rất nhiều, có thể trực tuyến nắm được hoạt động của các tuyến buýt và hơn 1.000 xe buýt thuộc Tổng công ty trên khắp mạng lưới giao thông của Thủ đô, từ đó có biện pháp điều hành kịp thời.
Ngoài ra, với hệ thống công nghệ này, chúng tôi có thể nắm bắt được các hành vi của đội ngũ lái xe, nhân viên bán vé, qua đó kiểm soát được các tiêu chí về chất lượng dịch vụ mà Tổng công ty đề ra; Tổng công ty đã ứng dụng phần mềm tìm buýt (timbus.vn) và xây dựng app trên thiết bị di động nhằm tăng tiện ích cho hành khách. Hiện nay đã có hơn 800.000 người cài đặt với khoảng 5 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Chúng tôi đánh giá đây là một trong những điểm nhấn của Tổng công ty trong việc ứng dụng khoa học công nghệ.
Cuối năm 2018, Transerco cùng Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đã đưa vào sử dụng thí điểm hệ thống thẻ vé điện tử trên tuyến buýt nhanh - BRT. Sau hơn 2 tháng triển khai, chúng tôi đánh giá hệ thống này đã đạt được mục tiêu, hoạt động ổn định, được nhân dân đánh giá cao. Bên cạnh việc xây dựng hình ảnh xe buýt văn minh, hiện đại, việc đưa vào ứng dụng vé điện tử đã giúp công tác thống kê lưu lượng, thói quen đi lại của hành khách dễ dàng và chính xác, thay thế hoàn toàn phương thức thủ công trước đây.
Nhờ vậy, ứng dụng này sẽ góp phần thay đổi căn bản và hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý điều hành, tối ưu hóa hoạt động xe buýt. Tới đây, sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm, Tổng công ty sẽ có báo cáo trình thành phố dự án nhân rộng trên toàn mạng buýt.
- Không phủ nhận những mặt tích cực xe buýt đã mang lại, song loại hình này vẫn chưa thực sự thuyết phục được người dân. Tại sao vậy?
- Tốc độ gia tăng của phương tiện giao thông cá nhân quá nhanh khiến hạ tầng luôn trong tình trạng quá tải, tốc độ lưu thông của xe buýt giảm. Trong vòng 10 năm qua, tốc độ vận hành của xe buýt đã giảm 15-17%. Cụ thể, năm 2008 tốc độ bình quân của xe buýt là 16 - 16,5km/h, nhưng thời điểm hiện tại chỉ đạt khoảng 13km/h. Xe buýt chỉ hấp dẫn được người dân khi sạch hơn, văn minh hơn và quan trọng là phải đúng giờ. Chúng ta đã cơ bản giải quyết được vấn đề xe đẹp, mạng lưới tuyến rộng khắp, nhưng yếu tố cốt lõi là thời gian vận hành thì đang là thách thức. Do đó cần phân làn, phân luồng, có ưu tiên cho các phương tiện công cộng, phương tiện phục vụ số đông thì mới dần làm thay đổi hành vi, thói quen sử dụng phương tiện của người dân.
Như hiện tại, dòng giao thông hỗn hợp khiến tất cả phương tiện níu nhau, gây ùn tắc, dẫn tới người dân không nhận thấy mặt tích cực của xe buýt. Phải làm sao để người dân nhận thấy đi phương tiện công cộng thuận tiện, nhanh, an toàn, rẻ hơn phương tiện cá nhân đang là mục tiêu, cũng là thách thức với các cơ quan quản lý, cũng như với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xe buýt. Chúng tôi rất mong thành phố có điều chỉnh về tổ chức giao thông.
- Tức là cần ưu tiên những làn đường dành riêng như tuyến đường Nguyễn Trãi trước đây, thưa ông?
- Trong điều kiện hạ tầng quá tải, việc ưu tiên làn đường riêng cho xe buýt là rất khó khăn, song có thể nghiên cứu kẻ vạch phân làn ưu tiên cho các phương tiện phục vụ số đông như xe buýt, taxi, xe hợp đồng chở khách du lịch, xe đưa đón học sinh được phép hoạt động. Nếu có phương án tổ chức giao thông phù hợp, xe buýt sẽ không cản trở sự lưu thông của các phương tiện khác và ngược lại.
- Nếu được ưu tiên về tổ chức giao thông, xe buýt sẽ đem lại những lợi ích như thế nào?
- Khi xe buýt được ưu tiên về tổ chức giao thông thì số chi phí cần đầu tư cho xe buýt sẽ giảm rất nhiều. Tốc độ bình quân của xe buýt nếu tăng thì số chuyến lượt cũng sẽ tăng và số lượng xe sẽ giảm mà vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Như vậy, chi phí đầu tư của doanh nghiệp và chi phí trợ giá của Nhà nước cũng sẽ giảm đáng kể. Số xe giảm thì áp lực giao thông chung cũng sẽ giảm. Xe buýt nâng được tốc độ, bảo đảm tính đúng giờ sẽ hấp dẫn được hành khách.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị Nhà nước xem xét mở rộng đối tượng miễn phí phục vụ xe buýt và điều chỉnh thủ tục làm vé tháng theo hướng nhanh gọn, thông thoáng hơn. Theo quy định hiện hành, người trên 60 tuổi được giảm giá một nửa và học sinh, sinh viên phải có xác nhận của nhà trường mới được làm vé tháng ưu tiên.
Song, tôi cho rằng, nên xem xét có chính sách miễn phí cho đối tượng trên 60 tuổi và cứ người dưới 18 tuổi thì không cần xin xác nhận của nhà trường, mà chỉ cần mang chứng minh nhân dân và hộ khẩu đến đăng ký làm thẻ mua vé tháng. Mục tiêu của chúng ta là cần có các giải pháp phù hợp nhằm thu hút hành khách sử dụng dịch vụ xe buýt càng nhiều càng tốt, làm sao để hệ thống vận tải hành khách công cộng phát huy hiệu quả cao nhất.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.