Du lịch

Kỳ vọng bùng nổ thu hút khách quốc tế

Hoàng Lân 30/12/2023 14:32

Năm 2023, hoạt động du lịch quốc tế của Việt Nam đã đạt hơn mức kỳ vọng, trong đó đáng chú ý là việc đón khách quốc tế (Inbound) vượt kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, các chuyên gia du lịch cho rằng, đó vẫn là con số khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Để du lịch quốc tế có thể tạo được sự bùng nổ trong năm 2024, cần phải có nhiều giải pháp trong việc xúc tiến, xây dựng sản phẩm mới.

Vượt chỉ tiêu nhưng… vẫn còn khiêm tốn

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), năm 2023, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế. Tuy nhiên, đến tháng 8-2023, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt 7,8 triệu lượt người.

30112022_dulich_20221130143759.jpg
Năm 2023, Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt xa kế hoạch ban đầu là 8 triệu lượt.

Nhận định tốc độ tăng trưởng đón khách quốc tế còn cao hơn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nâng mục tiêu đón khách du lịch quốc tế lên 12,5-13 triệu lượt. Theo đó, tính đến hết tháng 11-2023, tổng lượng khách quốc tế đến nước ta ước đạt trên 11,2 triệu lượt, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm trước và bằng 68,9% so với năm 2019 khi chưa xảy ra dịch Covid-19. Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu nhận định, dự kiến đến hết năm nay, với nỗ lực thu hút khách của các địa phương trong “mùa vàng” cao điểm đón khách quốc tế, du lịch Việt Nam có thể về đích như mục tiêu điều chỉnh.

Năm nay, thị trường khách quốc tế của Việt Nam có sự thay đổi lớn so với năm 2022. Sau khi Trung Quốc chính thức mở cửa hoạt động du lịch quốc tế từ tháng 3-2023, thị trường này nhanh chóng có sự tăng mạnh về số lượng khách đi du lịch nước ngoài. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tốp 10 thị trường khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023 gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Australia, Ấn Độ. Điều này cho thấy, dòng khách châu Á đến Việt Nam vẫn là chủ yếu, đáng chú ý là thị trường Trung Quốc, Ấn Độ có sự bứt phá mạnh.

Nhận định về tốc độ tăng trưởng đón khách quốc tế, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, đây là nỗ lực đáng ghi nhận nhưng nếu so với các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia…, số lượng này vẫn còn khiêm tốn.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cũng đánh giá, du lịch Việt Nam dù đạt chỉ tiêu kế hoạch nhưng đây là mục tiêu chưa cao.

“Du lịch Việt Nam được truyền thông thế giới đánh giá cao, giành nhiều giải thưởng du lịch quốc tế về điểm đến hấp dẫn, ẩm thực phong phú… Đây là những lợi thế lớn để có thể thu hút khách quốc tế nhiều hơn nữa”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.

Cần liên minh các địa phương, doanh nghiệp

Năm 2023, du lịch Việt Nam đã đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế. Các chuyên gia cho rằng, năm 2024, Việt Nam cần mạnh dạn đặt ra những mục tiêu cao hơn để tạo sự bùng nổ cho thị trường khách quốc tế.

9.jpg
Việt Nam đặt mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024.

Đánh giá những thách thức có thể đặt ra cho thị trường du lịch, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Phạm Tiến Dũng cho rằng, tình hình kinh tế, chính trị bất ổn ở châu Âu có thể còn ảnh hưởng lớn đến việc đi du lịch, chi tiêu của nhóm khách hàng ở khu vực này. Một số thị trường khác như Trung Quốc, Ấn Độ tuy phục hồi mạnh mẽ nhưng để thu hút nhiều khách có thu nhập cao cần phải có thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ mới hấp dẫn hơn.

Nhằm tạo bứt phá mạnh mẽ cho hoạt động đón khách quốc tế trong năm 2024. Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, thị hiếu, thói quen của du khách đã thay đổi, vì thế điều quan trọng nhất vẫn cần liên minh các địa phương, doanh nghiệp trong xây dựng sản phẩm chất lượng, hấp dẫn, giá hợp lý để kích thích nhu cầu chi tiêu của du khách. Các đơn vị, doanh nghiệp cần cơ cấu lại thị trường khách quốc tế, tập trung đầu tư cho những thị trường đang rất tiềm năng có thể tạo bứt phá trong năm 2024 như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ…

Hiện nay, để đón đầu dòng khách quốc tế trong năm 2024, nhiều địa phương, đơn vị đã ra mắt sản phẩm mới. Điển hình như Công ty Du thuyền cao cấp châu Á, APC Group đã cho ra mắt dòng sản phẩm mới cho mùa đông là biểu diễn nhạc giao hưởng trên du thuyền Ambassador tại vịnh Hạ Long, hướng tới thu hút dòng khách quốc tế đến từ Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Một động thái tích cực khác, các đơn vị lữ hành chuyên thị trường nói tiếng Trung trên toàn quốc đã xây dựng liên minh “Around the world” (Vòng quanh thế giới) để khai thác hiệu quả hơn thị trường du lịch Trung Quốc, đồng thời chia sẻ, hợp tác với đối tác nước bạn trong thúc đẩy việc đưa khách từ các thị trường nói tiếng Trung (Trung Quốc, Malaysia…) tới Việt Nam nhiều hơn trong năm tới.

Du lịch quốc tế Việt Nam đang lấy lại đà tăng trưởng từ cuối năm 2023 và kỳ vọng sẽ có sự bứt tốc mạnh mẽ trong năm 2024. Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, ngay từ bây giờ, các địa phương, đơn vị cần có chiến lược xây dựng điểm đến, sản phẩm mới; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến để tiếp tục thu hút du khách từ thị trường truyền thống và mở rộng tới những thị trường tiềm năng.

Năm 2024 ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, hoạt động du lịch quốc tế có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024, ngang bằng với mức đã đạt được của năm 2019, tuy nhiên mức độ phục hồi không đồng đều ở các khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng bùng nổ thu hút khách quốc tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.