Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu hút khách quốc tế: Cần đổi mới cách làm

Hoàng Lân| 23/03/2023 06:07

(HNM) - Hơn một năm kể từ khi Chính phủ đồng ý mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch (15-3-2022), đến nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã cải thiện, song chưa đạt được như kỳ vọng. Được đánh giá là nước “đi sớm”, có chính sách mở cửa, phục hồi nhanh nhưng kết quả của du lịch Việt Nam lại “đi sau” nhiều nước. Yêu cầu đặt ra là cần có thêm nhiều chính sách thông thoáng, đổi mới cách làm để việc thu hút khách quốc tế đạt hiệu quả hơn nữa.

Đoàn khách du lịch Trung Quốc đầu tiên đến Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) sau dịch Covid-19, ngày 15-3. Ảnh: TTXVN

Thách thức cạnh tranh

Sau một năm chính thức mở cửa hoạt động, du lịch Việt Nam có sự khởi sắc, đặc biệt là du lịch nội địa khi mà lượng khách vượt xa kỳ vọng. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2022, lượng khách nội địa đạt 101,3 triệu lượt (vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019). Tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt hơn 23% so với kế hoạch và đạt 66% so với mức kỷ lục năm 2019. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam mới chỉ đạt 3,5 triệu lượt (giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019), đạt 70% so với kế hoạch đón 5 triệu lượt khách quốc tế.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng dần theo tháng nhưng kết quả này vẫn còn rất khiêm tốn so với mục tiêu. “Việt Nam là một trong những quốc gia có kế hoạch mở cửa rất sớm, tiếc là chúng ta không tận dụng được lợi thế này nên đã “đi trước, về muộn””, ông Vũ Thế Bình nhận định.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, chỉ tính trong khu vực Đông Nam Á, một số quốc gia đã có sự tăng trưởng nhanh chóng trong việc thu hút khách quốc tế. Điển hình như trong năm 2022, Thái Lan đón hơn 11 triệu lượt khách; Malaysia đón khoảng 9,2 triệu lượt khách; Singapore mở cửa muộn nhưng cũng đón hơn 6,3 triệu lượt khách… “Năm nay, Thái Lan đặt mục tiêu đón 23 triệu lượt khách quốc tế; Campuchia cũng đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế, bằng với mục tiêu của Việt Nam trong năm 2023. Nếu không có sự bứt phá, thay đổi chiến lược thu hút khách, Việt Nam sẽ bị cạnh tranh rất lớn từ các nước, có thể sẽ mất đi nhiều lợi thế”, ông Nguyễn Quốc Kỳ phân tích.

Sản phẩm của làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) hấp dẫn du khách quốc tế. Ảnh: Hoàng Quyên

Không để mất “cơ hội vàng”

Phân tích nguyên nhân Việt Nam “đi sớm, về muộn” trong hoạt động đón khách quốc tế. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, chính sách thị thực (visa) tuy có nhiều đổi mới song trong triển khai chưa thực sự sát thực tế, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế; các doanh nghiệp du lịch chưa chủ động khai thác thị trường mới, vẫn còn trông chờ và phụ thuộc vào thị trường truyền thống. “Việc chậm kết nối hàng không quốc tế đã ảnh hưởng đến lượng khách đến Việt Nam. Ngoài ra, thông tin, quảng bá còn hạn chế, thiếu kịp thời tại các thị trường nguồn quốc tế, nhân lực làm du lịch thiếu, sản phẩm du lịch chưa đa dạng, hấp dẫn...” - ông Nguyễn Văn Hùng nêu.

Với thách thức trước mắt, đặc biệt là từ sự cạnh tranh lớn từ các nước trong khu vực, để hoạt động đón khách quốc tế đạt hiệu quả, Phó Tổng Giám đốc Công ty Saigontourist Võ Anh Tài cho rằng, cần tăng cường quảng bá, tiếp thị trực tiếp tại các thị trường quốc tế trọng điểm và các thị trường mới, đặc biệt là các thị trường Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Đồng quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, từ ngày 15-3-2023, các doanh nghiệp lữ hành Trung Quốc có thể tổ chức tour sang Việt Nam, đây là cơ hội tốt để tăng lượng khách nước ngoài. “Trung Quốc là thị trường “vàng” của du lịch thế giới trong đó có Việt Nam. Là quốc gia có chung đường biên giới đường bộ và đường biển, Việt Nam nên tận dụng các cơ hội quảng bá, xúc tiến, xây dựng sản phẩm mới phù hợp với khách Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung. Ngoài ra, các địa phương cần chú trọng những sản phẩm hấp dẫn khách hạng sang, chẳng hạn có thể tập trung vào những dòng sản phẩm cao cấp như du thuyền, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện), du lịch golf…”, ông Vũ Thế Bình gợi ý.

Một trong những vấn đề được coi là “chìa khóa” trong các giải pháp phục hồi, phát triển du lịch quốc tế là chính sách thị thực và tăng cường các đường bay quốc tế. Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) Hoàng Nhân Chính đề xuất, cần nhanh chóng cởi mở hơn trong chính sách cấp thị thực, tăng thời gian lưu trú từ 15 ngày lên 30 đến 45 ngày, giống cách các nước khác trong khu vực như Thái Lan hoặc Singapore đang làm. Còn theo Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Trương Quốc Hùng, cần tăng cường thêm các chuyến bay tới những thị trường trọng điểm, tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Ngoài ra, các địa phương khi xây dựng sản phẩm cần phải nghiên cứu sao cho phù hợp với thị hiếu của khách quốc tế, hướng đến yếu tố xanh, bền vững, thân thiện môi trường.

Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế. Đây là con số khiêm tốn nhưng cũng là thách thức lớn khi mà nhiều nước trong khu vực đã “tăng tốc” với nhiều chiến lược bài bản. Để hoàn thành mục tiêu này, du lịch Việt Nam cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, như lời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị du lịch toàn quốc 2023 vào ngày 15-3 vừa qua: “Thúc đẩy hoạt động du lịch không chỉ cần nhanh, mà còn phải kiên trì, bình tĩnh để nhận diện rõ thuận lợi, thách thức, từng bước tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển du lịch một cách bền vững, hiệu quả”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hút khách quốc tế: Cần đổi mới cách làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.