Theo dõi Báo Hànộimới trên

Muốn thành công, phải đầu tư đúng cách

Minh An| 24/03/2015 06:49

(HNM) - Trong thành công vừa qua của Đội tuyển Quần vợt nam U16 Việt Nam (lần đầu tiên lọt vào vòng loại chính thức giải U16 thế giới), quần vợt Hà Nội đóng góp tay vợt chủ chốt Nguyễn Đắc Tiến. Tại Giải Vô địch quần vợt nữ các lứa tuổi quốc gia, các VĐV Hà Nội giành được 2 HCV.

Tay vợt Trịnh Linh Giang.



Cách đây gần chục năm, khi nhận nhiệm vụ phụ trách bộ môn quần vợt của thể thao Hà Nội, HLV Trần Đại Nghĩa hầu như phải làm lại từ đầu. Khi đó, hệ thống đào tạo trẻ của Hà Nội vẫn hoạt động nhưng hiệu quả không cao. Quần vợt Hà Nội cũng chịu khó chiêu hiền đãi sĩ để có những HLV giỏi nhằm cho ra lò các tay vợt xuất sắc nhưng mọi việc không đến đâu. Cách đây 7 năm, không có tài năng trẻ nào của Hà Nội gây chú ý ngoài một Trịnh Linh Giang (hiện là thành viên Đội tuyển quốc gia) ở dạng "bộc lộ tiềm năng". Phụ trách bộ môn quần vợt, HLV Trần Đại Nghĩa được lãnh đạo ngành thể thao Hà Nội bật đèn xanh, rằng có thể chấp nhận mất thành tích trong thời gian dài nhưng phải xây dựng lại hệ thống đào tạo trẻ, trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là nâng cao chất lượng đội ngũ HLV. Trong thực tế, cũng phải sau một thời gian tìm kiếm, quần vợt Hà Nội mới sở hữu được HLV Trương Quang Vũ, người có đủ phẩm chất để đào tạo trẻ bài bản, hiệu quả. Đó là vào đầu năm 2012. Chỉ trong 2 năm làm việc ở Hà Nội, HLV Trương Quang Vũ đã nâng tầm một loạt VĐV trẻ của Hà Nội, trong đó có Trịnh Linh Giang, Nguyễn Đắc Tiến. Nhưng sau đó, HLV này lại chia tay quần vợt Hà Nội để làm việc ở Đội tuyển quốc gia.

Những người có trách nhiệm ở bộ môn quần vợt Hà Nội đã tìm ra ngay người thay thế xứng tầm, đó là HLV người Pháp Jean Luc Toulliou. Đây là chuyên gia đào tạo trẻ từng có hơn chục năm làm việc tại các học viện đào tạo quần vợt trẻ tại Pháp, Tây Ban Nha, Thái Lan, Turkmenistan. Vị chuyên gia thích bôn ba này đã chọn Việt Nam làm bến đỗ sau một thời gian ngắn làm việc tại Turkmenistan. Gần 1 năm làm việc cho quần vợt Hà Nội, HLV này được đánh giá cao ở khả năng đào tạo cơ bản. Những Trịnh Linh Giang, Nguyễn Đắc Tiến đã tích lũy thêm vốn liếng sau các buổi tập cùng HLV người Pháp. Ngoài ra, các VĐV trẻ ở các lứa tuổi cũng được HLV này chỉ bảo. Như nhiều người nhận xét thì chuyên gia Jean Luc Toulliou có vai trò như một giám đốc kỹ thuật của quần vợt Hà Nội. Ngoài Hà Nội, chỉ có Bình Dương làm việc này (thuê HLV cho Lý Hoàng Nam). Chính vì vậy, thành tích và sự phát triển của các VĐV trẻ Hà Nội được duy trì đều đặn trong vài năm qua. Tại các giải trẻ quốc gia, VĐV Hà Nội đều giành HCV, nhất là ở lứa tuổi từ U10 đến U14.

Dù có chuyên gia giỏi song với quần vợt Việt Nam, hiệu quả khó tới nếu không có các chuyến tập huấn nước ngoài. Quần vợt Hà Nội thực sự nhận ra điều này từ năm 2012, sau chuyến tập huấn 6 tuần tại Thái Lan, nơi họ được tập luyện trong môi trường chuyên nghiệp và có nhiều "quân xanh" chất lượng - điều không thể có ở trong nước. Sau chuyến đó, trở về giải trẻ toàn quốc, nhiều người đã bất ngờ với sự lột xác của các tay vợt Hà Nội. Những Trịnh Linh Giang, Nguyễn Đắc Tiến, Hoàng Bảo Long đã vươn lên một tầm mới so với các tay vợt cùng trang lứa. Sau đó, hằng năm, quần vợt Hà Nội đều cho các VĐV trọng điểm đi tập huấn tại Thái Lan, Singapore, Tây Ban Nha - những quốc gia có nhiều học viện đào tạo trẻ chất lượng cao.

Về lâu dài, nếu các tay vợt trẻ Hà Nội muốn bứt hẳn lên thì ngoài việc thuê HLV giỏi, tập huấn ở nước ngoài thì vẫn cần phải có cơ hội thi đấu quốc tế nhiều hơn nhằm tích điểm xếp hạng, tích lũy kinh nghiệm. Cách đào tạo trẻ của quần vợt Hà Nội đang đi đúng hướng, vấn đề là phải tìm cách duy trì và phát huy đà tiến.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Muốn thành công, phải đầu tư đúng cách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.