Theo dõi Báo Hànộimới trên

Muốn kết quả xét nghiệm chuẩn - máy phải chuẩn!

Đỗ Quỳnh Chi| 02/08/2017 06:54

(HNM) - Bấy lâu nay, kết quả xét nghiệm của các bệnh viện tuyến tỉnh về bệnh viện tuyến trung ương hầu hết không được chấp nhận. Ngay cả các bệnh viện cùng tuyến trên địa bàn Hà Nội, các bệnh viện tuyến trung ương với nhau cũng trong cảnh tương tự, nói gì đến các cơ sở y tế tuyến dưới khi phải chuyển ngang hoặc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.


Trong khi đó, khoảng 20% tổng chi phí một đợt khám chữa bệnh của một bệnh nhân là dành cho việc chụp chiếu, xét nghiệm chẩn đoán. Với tổng số 400-450 triệu xét nghiệm/năm, kinh phí cho việc xét nghiệm rõ ràng là con số “khủng”.

Có hay không việc không công nhận kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện là lạm dụng xét nghiệm, để “moi tiền” bệnh nhân? Câu trả lời là có. Thực tế cho thấy, khi các bệnh viện được trao quyền tự chủ, hầu hết đều muốn tận thu, trong đó có dịch vụ xét nghiệm. Đặc biệt là khi số máy xét nghiệm này đa phần đều là nguồn máy móc đầu tư từ nguồn xã hội hóa, hay của đơn vị trúng thầu hóa chất “cho mượn”. Thiệt thòi xét đến cùng vẫn là người bệnh.

Tình trạng không thừa nhận kết quả xét nghiệm của nhau, làm khó cho bệnh nhân sẽ phần nào giảm kể từ ngày 1-8, khi 38 bệnh viện tuyến trung ương trực thuộc Bộ Y tế chính thức triển khai việc liên thông kết quả xét nghiệm. Ước tính, chỉ cần giảm được 1% số lượng xét nghiệm phải làm thì sẽ tiết kiệm được cho xã hội khoảng 240 tỷ đồng/năm.

Đó là chưa kể đến việc thời gian, tiền bạc của dân phải bỏ ra khi chờ kết quả xét nghiệm để bác sĩ chẩn đoán hướng điều trị.

Nói vậy để thấy việc liên thông kết quả xét nghiệm tại 38 bệnh viện trung ương là tin mừng với bệnh nhân và là nỗ lực rất đáng biểu dương ngành Y. Tuy nhiên, từ hướng đi đúng này, vấn đề đặt ra hiện nay vẫn là làm thế nào để việc thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm một cách hiệu quả và bền vững.

Phải thấy rằng, kết quả xét nghiệm phụ thuộc vào 3 điều kiện quan trọng: Máy xét nghiệm, hóa chất và chuẩn của máy. Theo các chuyên gia, các yếu tố này hiện chưa có sự thống nhất giữa các bệnh viện, ngay cả ở tuyến trung ương. Do đó, việc cần phải làm sớm là có hệ thống chuẩn quốc gia áp dụng chung để kiểm tra tất cả các máy móc, nhằm bảo đảm chất lượng giữa các bệnh viện tương đương nhau.

Đó là quy định máy móc phải đúng nguồn, tiêu chuẩn từ các nước khối G7 hoặc tương đương; xuất xứ từ hãng mới bảo đảm, không chấp nhận máy tân trang hoặc các nước có nền công nghiệp thiết bị y tế mới phát triển… Muốn kết quả xét nghiệm chuẩn - máy phải chuẩn. Bởi nếu không có chuẩn thì khi dựa trên những kết quả đó đưa ra quyết định điều trị sai thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm, trong khi người bệnh vẫn phải chịu thiệt thòi, có khi là bằng tính mạng.

Mặt khác, với người bệnh, không nên hiểu rằng việc liên thông kết quả xét nghiệm có nghĩa là bất biến. Bởi kết quả xét nghiệm đúng cũng chỉ có thời hạn nhất định, đặc biệt là với bệnh nhân nặng thì phải làm xét nghiệm hằng ngày, thậm chí vài lần/ngày để theo dõi diễn tiến của bệnh chính xác. Trong những trường hợp như vậy đòi hỏi bác sĩ điều trị phải có đủ bản lĩnh, kiến thức để làm sao có phương án tối ưu nhất cho bệnh nhân. Đó là phải căn cứ vào bệnh trạng để chỉ định làm xét nghiệm lại hay không. Chỉ nên coi có việc lạm dụng là khi bệnh viện tuyến trên cho làm lại toàn bộ các xét nghiệm của cơ sở y tế tuyến dưới.

Cuối cùng, ngành Y tế cũng phải tăng cường đầu tư chuyên môn cho các cơ sở y tế tuyến dưới để đạt chuẩn, trong đó có việc nâng cao kết quả xét nghiệm. Điều này sẽ có lợi cho cả xã hội khi thời gian điều trị của bệnh nhân được rút ngắn lại, bác sĩ cũng không bị quá tải, có thời gian để nâng cao trình độ chuyên môn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Muốn kết quả xét nghiệm chuẩn - máy phải chuẩn!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.