(HNM) - Mới đây, Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, do Liên minh Châu Âu tài trợ (Dự án EU), đã hoàn thành Báo cáo thường niên du lịch Việt Nam năm 2013.
Du khách nước ngoài tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Bá Hoạt |
Được xây dựng dựa trên công tác thống kê mở rộng do Tổng cục Du lịch và Tổng cục Thống kê Việt Nam phối hợp thực hiện, báo cáo cung cấp thông tin tổng quan về những thành tựu mà ngành du lịch đã đạt được, các hoạt động marketing và xúc tiến du lịch cũng như hoạt động trong lĩnh vực lưu trú và lữ hành trong năm 2013. Cụ thể, trong năm 2013 đã có 7.572.352 lượt khách quốc tế đến Việt Nam, trong đó lượng khách lớn nhất đến từ các thị trường lân cận như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, sau đó là các thị trường xa hơn như Mỹ, Australia... Cũng trong năm 2013, ngành du lịch đã phục vụ 35 triệu lượt khách nội địa. Du lịch cũng tạo ra số lượng việc làm đáng kể cho người dân địa phương. Tổng số việc làm trực tiếp và gián tiếp từ du lịch là 2,92 triệu lao động, chiếm 5,6% tổng số lực lượng lao động của cả nước. Về lưu trú, năm 2013, toàn quốc có 15.120 cơ sở lưu trú du lịch với tổng lượng buồng phòng là 324.800, công suất sử dụng buồng phòng trong toàn hệ thống đạt 56%.
Tính đến nay, trong lĩnh vực du lịch, Việt Nam đã tiếp nhận đầu tư nước ngoài từ các doanh nhân thuộc 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cả nước có 337 dự án đầu tư vào lĩnh vực lưu trú, du lịch đã được cấp phép với tổng số vốn đăng ký đạt 10,6 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Là người tham gia thực hiện báo cáo, bà Hoàng Quế Nga - chuyên gia Nhóm kỹ thuật về cơ sở và thể chế (Dự án EU) cho biết, khó khăn lớn nhất trong việc lập báo cáo là công tác thống kê dữ liệu. Số liệu thống kê được sử dụng trong báo cáo là số liệu chính thống của Tổng cục Thống kê, có bổ sung thêm từ nguồn Tổng cục Du lịch. Tuy nhiên, theo bà Hoàng Quế Nga, không dễ để có được sự thống nhất về số liệu trong điều kiện hiện nay bởi mỗi địa phương có một cách thống kê về du lịch khác nhau, bắt nguồn từ sự khác nhau trong cách hiểu thế nào là khách du lịch. "Ví dụ, rất nhiều khách đến sân bay Tân Sơn Nhất nhưng chỉ là quá cảnh qua TP Hồ Chí Minh để đến các thành phố khác. Vậy thì những người này có được tính là khách du lịch tại TP Hồ Chí Minh hay không?" - bà Hoàng Quế Nga đặt vấn đề.
Sự khó không chỉ liên quan đến cách hiểu thế nào là khách du lịch. Rất nhiều địa phương, điển hình là Lào Cai, có phòng văn hóa ở các huyện và mỗi đơn vị quản lý các điểm tham quan khác nhau. Cách thống kê của Lào Cai là cộng tất cả các khách ở các điểm tham quan lại với nhau dù một khách du lịch đến đây có thể tới tham quan tại rất nhiều điểm. Bởi vậy, nếu tính theo cách nói trên thì số lượng khách du lịch đến tỉnh này sẽ đội lên rất nhiều so với thực tế. "Dự án EU và Tổng cục Du lịch đang trình Bộ VH,TT&DL hệ thống mẫu báo cáo thống kê chuẩn và khi hệ thống này được phê duyệt, dự án sẽ hỗ trợ Tổng cục Du lịch trong việc hướng dẫn các địa phương cách triển khai thực hiện. Nếu điều đó thành hiện thực thì sang năm ngành du lịch sẽ có số liệu thống kê du lịch tương đối chính xác" - bà Hoàng Quế Nga cho biết.
Theo Giám đốc Dự án EU Vũ Quốc Trí, việc xây dựng Báo cáo thường niên du lịch đã được các nước trên thế giới làm từ lâu, ngay cả những nước trong khu vực có ngành du lịch phát triển chậm hơn Việt Nam như Lào và Campuchia cũng đã thực hiện việc này. Ở Việt Nam, với bước xuất phát chậm, việc xây dựng Báo cáo thường niên du lịch càng cần thiết, phải làm ngay bởi đây không chỉ là tài liệu tham khảo giúp cho các bên liên quan có một cái nhìn tổng quan về tình hình du lịch trong một năm qua, mà còn là cơ sở để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Rút kinh nghiệm từ lần thực hiện báo cáo đầu tiên, ông Vũ Quốc Trí cho biết, báo cáo lần sau cần có sự đóng góp ý kiến và nhất trí của tất cả các thành phần cần có, từ các địa phương, doanh nghiệp đến Hiệp hội Du lịch Việt Nam chứ không chỉ có Tổng cục Du lịch như ở lần này. "Điều quan trọng nhất là Tổng cục Du lịch cần đưa việc lập báo cáo trở thành công tác thường niên - ông Vũ Quốc Trí đề nghị.
Chi tiêu bình quân của một lượt khách du lịch quốc tế là 1.143,85 USD với hình thức khách tự sắp xếp chương trình, 554,36 USD đối với khách đi theo chương trình trọn gói. Các con số tương ứng với khách nội địa là 4.227.900 đồng và 5.219.520 đồng. Đóng góp từ du lịch vào tổng sản phẩm quốc nội là 222.313 tỷ đồng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.