(HNM) - Đã qua lâu rồi cái thời Hà Nội chỉ gói gọn trong năm cửa ô. Kiến trúc Hà Nội cũng vì thế không ngừng đổi thay, đây đó nhang nhác giống Bangkok, Bắc Kinh, Tokyo... và cả dáng vẻ của những đô thị của Pháp, hay cả sự pha tạp của tất cả các kiểu kiến trúc ấy.
Sự phát triển đa dạng đến chóng mặt của kiến trúc Hà Nội được ai đó ví như một con ngựa bất kham. Nói như Viện sĩ Viện Hàn lâm kiến trúc Nga P.Gnedopvky sang thăm Hà Nội, sau khi đi một vòng quanh Hồ Tây, ngắm nghía các ngôi nhà lộng lẫy với hàng mái chóp đã nắc nỏm khen: "Không đâu đẹp bằng Hà Nội". Nhưng rồi ông nói thêm: "Những ngôi nhà ấy chắc do dân tự làm, không có kiến trúc sư nên mới phong phú đến thế!"... Rõ ràng, đó không hẳn là một lời khen!
Hoặc một loạt tuyến phố mới mở như: Xã Đàn, Văn Cao, đường ven Hồ Tây, Trần Thái Tông, đường ven sông Tô Lịch... được đầu tư cả trăm tỷ đồng rất hiện đại nhưng khó có thể "mê" được bởi la liệt kiểu nhà, màu sơn, chiều cao tầng tùy theo ý thích của gia chủ. Nhìn một ngôi nhà có thể là đẹp nhưng với tổng thể diện mạo đô thị thì điều đó rất phản cảm, chưa kể đến việc hình thành vô số các nhà "siêu mỏng, siêu méo" chẳng giống ai.
Cũng không khó để thấy rằng, quy hoạch nhà cao tầng phải gắn liền với đường giao thông, đường điện - nước, trường học, bệnh viện... Nhưng dường như gần đây, vì lý do nào đó "người ta" đang quên mất điều đó. Hẳn sẽ thấy ngay rằng, để cải tạo chung cư cũ, thay vì một đơn nguyên phá đi, nhà đầu tư sẽ xây tại đó một đơn nguyên với diện tích sàn tăng gấp mấy lần, đồng nghĩa với đó là dân số tăng hơn so với trước đây. Điều này sẽ đối mặt với nhiều tác động chuỗi khác. Vô hình trung, kế hoạch giảm tải sức ép đô thị cho các quận nội thành cũ đang bị "đánh lấn" từng phần...
Nhắc lại một vài chuyện trên để thấy rằng, việc lần đầu tiên thành phố xây dựng hệ thống văn bản quản lý đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô với tên gọi "Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chung TP Hà Nội" là cần thiết nhường nào. Trong dự thảo lần thứ 9 được UBND TP Hà Nội đưa ra bàn thảo ngày 22-8 có nêu, Quy chế khi ban hành sẽ là cơ sở để tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, quản lý, kiểm soát việc quy hoạch, thiết kế và xây dựng các công trình cao tầng, tổ hợp công trình cao tầng, điểm nhấn cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử, định hướng cho quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị và cấp phép xây dựng. Từ quy chế chung, còn có các quy chế khu phố cổ, phố cũ, hành lang xanh, sinh thái… cũng sẽ được ban hành. Đáng lưu ý là trong dự thảo Quy chế, thành phố đã đề cập các cơ sở pháp lý để đi đến thống nhất sẽ khống chế chiều cao, khoảng lùi, bố cục, phong cách, hình thức kiến trúc... ở một số tuyến đường - điều từ trước đến nay gần như bị bỏ trống dù không ít đô thị ở nước ta đã áp dụng.
Dự kiến, Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chung TP Hà Nội sẽ được ban hành trong tháng 9-2013 nhằm "triệt tiêu" những bất cập như đã nêu ở trên. Thông qua đó, người dân cũng có điều kiện để giám sát việc thực thi của các cấp chính quyền, góp phần giảm thiểu tối đa điều tiếng trong công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, cấp phép xây dựng... ở địa bàn toàn thành phố.
Hà Nội đang ngày càng văn minh, hiện đại và đương nhiên diện mạo kiến trúc đô thị là một nét không thể thiếu trong hành trang ấy. Việc ban hành Quy chế này có vẻ hơi muộn, nhưng rõ ràng "muộn còn hơn không" là vì thế!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.