(HNM) - Về bố cục: Tổng thể gồm 3 phần lớn theo tôi là phù hợp, trong đó, phần tổ chức thực hiện là rất quan trọng, có thể hiểu đó là những giải pháp bảo đảm cho việc thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu đề ra của nhiệm kỳ.
Những đề mục lớn trong từng phần đã thể hiện trọng tâm hoạt động trên các mặt của đời sống xã hội mà Đảng lãnh đạo với những kết quả cụ thể cũng như những hạn chế trong từng giai đoạn (nhiệm kỳ và thời kỳ đổi mới 30 năm). Tuy nhiên, tôi thấy bố cục vẫn chưa thể hiện rõ tính chất báo cáo của Đảng. Tôi đề nghị nên bố cục, sắp xếp, trình bày để thể hiện rõ hình thức, tính chất, nội dung báo cáo của Đảng, một mặt thể hiện thật rõ vai trò lãnh đạo của Đảng với toàn xã hội, mặt khác làm nổi bật công tác xây dựng Đảng và tổ chức Đảng. Mỗi phần lớn cần làm rõ về kết quả và hạn chế trong từng nội dung.
Trong đó, phần kết quả cần làm rõ: Tình hình, kết quả củng cố xây dựng Đảng, kết quả lãnh đạo xây dựng chính quyền, MTTQ, tổ chức quần chúng, kết quả lãnh đạo phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân…
2. Về nội dung:
Những nội dung trong báo cáo được tổng hợp từ các lĩnh vực và do các cơ quan, tổ chức cung cấp thì chắc chắn đã được kiểm tra, bảo đảm chính xác. Đó là điều cần ghi nhận. Tuy vậy, tôi đề nghị sử dụng có chọn lựa và cần phân tích làm rõ giá trị, hiệu quả của con số và sự việc. Ví dụ, trong lãnh đạo kinh tế, Đảng bộ đã có những chủ trương gì để chỉ đạo, lãnh đạo; đã được chính quyền và các tổ chức kinh tế tiếp thu, thực hiện như thế nào, kết quả ra sao?...
3. Về chủ đề Đại hội:
Về cơ bản, nội dung vừa đủ và sắp xếp thứ tự phù hợp (Đảng - dân - nhiệm vụ, mục tiêu). Riêng những từ “xanh”, “hiện đại” ở cuối không cần thiết mà nên là “… xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh” là đủ. Trong giàu đẹp đã có nghĩa xanh và môi trường, trong giàu đẹp, văn minh đã bao gồm hiện đại. Dùng 2 từ “giàu đẹp, văn minh” dễ hiểu, giản dị và sát ý hơn (từ hiện đại thực ra rất chung chung, không đủ nghĩa).
4. Về đánh giá tình hình kết quả thực hiện:
Tôi xin đề nghị, khi đánh giá cần lựa chọn số liệu cần thiết và quan trọng nhất để minh họa cho nội dung. Đáng tiếc trong báo cáo chưa đánh giá được thực chất một số nội dung quan trọng. Có những nội dung chưa được đề cập đến hoặc có được đề cập đến nhưng không có số liệu minh họa cần thiết, xin nêu vài việc lớn:
- Ở trang 17 (đoạn 3) đánh giá “công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị có nhiều tiến bộ vượt bậc” (?). Đánh giá như vậy có khách quan? Thế nào là vượt bậc? Có phải là vì có nhiều đường mới, cầu mới, nhà mới đã là khang trang vượt bậc? Trong khi có quá nhiều bức xúc về “bệnh mạn tính” tắc đường, thiếu nước sạch, ô nhiễm môi trường, thiếu sân chơi…
- Ở trang 17 (đoạn 2): “Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Thủ đô được chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả”, nhưng toàn bộ bản báo cáo không có một số liệu nào và nội dung nào về thực hiện chủ trương lớn này trong những năm vừa qua ra sao.
- Đánh giá hạn chế, khuyết điểm tại mục 1 (B) trang 13 về “việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế chưa đạt kết quả mong muốn” nhưng lại chưa được đề cập trong báo cáo. Vấn đề tái cơ cấu kinh tế là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, được Quốc hội, Chính phủ thường xuyên nhắc nhở. Nhưng trong báo cáo dự thảo chưa thể hiện kết quả thực hiện của Hà Nội. Vấn đề này cần được bổ sung vào báo cáo, trong đó cần được nhấn mạnh hơn trong phương hướng.
- Cũng trong phần đánh giá kết quả về kinh tế, cần đánh giá rõ hơn về vai trò, sự phát triển và đóng góp của thành phần kinh tế ngoài quốc doanh như thế nào. Tôi được biết, doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở Hà Nội phát triển rất mạnh trong những năm qua, có năm đóng góp khoảng 50% ngân sách (Báo cáo của Hiệp hội Công thương, Hội Doanh nghiệp trẻ…) nhưng trong đoạn 2 trang 17 chỉ có mấy chữ sơ lược. Hơn nữa, những năm qua, thành phố đã quan tâm đến thành phần kinh tế này ra sao, cũng chưa nói đến trong báo cáo.
Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm doanh nghiệp ngoài quốc doanh, đặc biệt Hiến pháp 2013 đã khẳng định vai trò của thành phần kinh tế này. Đề nghị dự thảo báo cáo cần bổ sung làm rõ hơn cả trong đánh giá và trong phương hướng (có số liệu cụ thể). Cần quan tâm đến lực lượng này, đó chính là hướng phát triển và là phần rất quan trọng của nền kinh tế nước nhà.
5. Về phát triển kinh tế:
Tôi đề nghị bổ sung một số nội dung: Mục 2 (IV) xây dựng nông thôn mới, cần thêm vào một ý: Quan tâm hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu và thị trường đầu ra tiêu thụ sản phẩm cho nông nghiệp. Vấn đề khó nhưng cần thiết phải làm. Đây là khó khăn rất lớn, tự nông dân không thể làm được mà rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước. Nếu nông dân sản xuất ra nhiều sản phẩm nhưng không có thương hiệu, không tiêu thụ được thì cho dù sản phẩm sạch, số lượng lớn cũng không tiêu thụ được. Muốn giúp nông dân, thành phố cần hỗ trợ cơ chế, sự liên kết của ngành dịch vụ, thương mại… Làm sao để nông dân không bị ép giá, đổ bỏ nông phẩm.
6. Về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm:
Tôi rất đồng tình với những nội dung trong dự thảo báo cáo. Bên cạnh biện pháp phòng chống tham nhũng thì thực hành tiết kiệm cần đặt lên hàng đầu. Một số nội dung thực hành tiết kiệm đã nêu trong dự thảo báo cáo là đúng, nhưng chưa đủ mạnh. Những năm qua, chúng ta vẫn thường hô hào, kêu gọi, nhưng thực tế mức chi tiêu hiện nay là quá cao, quá lãng phí so với sức khỏe nền kinh tế. Đặc biệt là tình trạng nâng cấp thiết bị, trụ sở, xe cộ...
7. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng:
Tôi đồng tình với những nội dung, giải pháp trong dự thảo, đồng thời đề nghị thêm một nội dung: Xây dựng cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện để nhân dân giám sát, phát hiện, kiến nghị những vi phạm của cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng thuộc Đảng bộ thành phố... Nếu thực hiện điều này sẽ hạn chế bớt các vi phạm của cán bộ, đảng viên, tăng thêm mối quan hệ và tình cảm tốt của nhân dân với Đảng.
8. Ngoài những nội dung trên, tôi đề nghị cần bổ sung một số nội dung vào dự thảo báo cáo:
a. Nội dung đánh giá nhận định tình hình nhân dân Thủ đô. Đây là nội dung không thể thiếu trong các báo cáo chính trị (tình hình, quan điểm và thái độ của Đảng…).
b. Đánh giá kỹ hơn việc thực hiện trọng tâm công tác Đảng (công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ). Đây là vấn đề lớn nhưng báo cáo mới chỉ thể hiện ngắn gọn, chưa tương xứng.
c. Một số chủ trương lớn của thành phố được Thành ủy chỉ đạo, lãnh đạo chính quyền thực hiện ra sao trên các lĩnh vực lớn. Ví dụ:
- Năm 2005 thành phố có nghị quyết (nghị quyết HĐND) phát triển nhà ở, cải tạo chung cư cũ được nhân dân hoan nghênh và rất mong đợi. Vậy đến nay kết quả ra sao? Lưu ý, đây là chủ trương lớn của thành phố, quan hệ đến hàng chục vạn người dân.
- Vấn đề quy hoạch và thực hiện các dự án theo hướng thiết thực, hiệu quả đã được quán triệt và thực hiện thế nào, đặc biệt từ năm 2010 kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đến nay?...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.